An toàn lao động rất quan trọng với các dự án ODA

12:07' - 25/05/2017
BNEWS Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam – ông Fujita Yasuo khẳng định, an toàn lao động rất quan trọng đối với các dự án ODA.
Bàn giải pháp hạn chế các tai nạn do mất ATLĐ gây ra trong quá trình thi công xây dựng công trình. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Đổi mới, tăng cường quản lý đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế là chủ đề của hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 25/5, tại Hà Nội.

Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Nguyễn Minh Hà cho biết, hội thảo nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng.

Trong quá trình xây dựng các chính sách mới về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, Bộ Xây dựng đã thường xuyên nhận được sự quan tâm phối hợp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Các chính sách mới được nghiên cứu ban hành trong thời gian vừa qua đã theo hướng đổi mới, chủ động phòng ngừa tai nạn là chính.

Điều này sẽ giúp đổi mới nhận thức của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng cũng như cơ quan chuyên môn và đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong quản lý an toàn lao động. Mục tiêu là hạn chế triệt để các tai nạn do mất an toàn lao động gây ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Thông qua việc đánh giá nguyên nhân, thực trạng về an toàn lao động để đề xuất giải pháp trong quản lý, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, người lao động phải được đảm bảo quyền lợi và các điều kiện cơ bản theo quy định về pháp luật và Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên – ông Hà khẳng định.

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam – ông Fujita Yasuo chia sẻ, an toàn lao động rất quan trọng đối với các dự án ODA Nhật Bản và JICA đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

Các chính sách liên quan đặc biệt được thiết lập lại, nhất là sau vụ tai nạn trong thi công cầu Cần Thơ với số người thương vong lớn.

Tuy nhiên, năm 2016, các dự án sử dụng vốn ODA vẫn còn xảy ra 6 vụ tai nạn và JICA đang nỗ lực để hạn chế tối đa con số này. Các nhà thầu tham gia phải giám sát chặt chẽ, hệ thống các phương tiện, thiết bị cũng như nhân công lao động – ông Fujita Yasuo nhận xét.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Chủng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng, tai nạn thương vong trên công trường xây dựng vẫn đang gia tăng mặc dù các cơ sở pháp lý về an toàn vệ sinh lao động đã được tăng cường.

Nhiều bộ luật, pháp lệnh và quy định về vấn đề này đã được Chính phủ Việt Nam ban hành. Chất lượng và số lượng các nội dung được quy định đủ để quản lý an toàn vệ sinh lao động trên công trường.

Thế nhưng, những vi phạm về an toàn lao động vẫn xảy ra thường xuyên và khá điển hình tại công trường thi công nhà cao tầng. Nguyên nhân nhiều khi rất đơn giản nhưng mức độ thiệt hại về con người lại rất nghiêm trọng.

Bởi vậy, cùng với sự gia tăng của các công trường xây dựng trên khắp cả nước, nhận thức về an toàn lao động phải được tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.

Cùng đó là các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình từ hành lang pháp lý, giải pháp đối với người lao động cho đến giải pháp kỹ thuật trong tổ chức thi công và thanh tra, giám sát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục