An toàn thực phẩm: Ưu tiên khảo sát an toàn tại nhà máy chế biến

18:53' - 26/07/2016
BNEWS Kiểm tra phân loại và chứng nhận cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm mới đạt 79,76% (cuối năm 2015 là 78,3%).
Hội thảo “Hành động để người dân được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo “Hành động để người dân được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn” ngày 26/7, tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Báo Lao động tổ chức, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, nhà máy chế biến thực phẩm; trong đó, có nhà máy chế biến thủy sản là nơi cần kiểm soát cao nhất về an toàn thực phẩm.

Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản, đến tháng 6/2016, kiểm tra phân loại và chứng nhận cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm mới đạt 79,76% (cuối năm 2015 là 78,3%). Trên 20% cơ sở còn lại vẫn có nguy cơ ngây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, cần áp dụng triệt để và ưu tiên khảo sát an toàn thực phẩm theo phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn ( HACCP) tại nhà máy chế biến.

Đây là mấu chốt để tạo ra sản phẩm an toàn cho người dân. Các doanh nghiệp chế biến cần khảo sát chặt và công khai về chất lượng đối với nguồn nguyên liệu, đặc biệt là về vấn đề kháng sinh, tạp chất.

Đưa ra giải pháp đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản an toàn, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, hệ thống siêu thị là nơi cần kiểm soát chặt đầu vào và kiên quyết không kinh doanh các hàng kém chất lượng.

Hệ thống siêu thị cũng phải nâng cao chất lượng thiết bị bảo quản và quản lý hàng hóa trong quá trình phân phối.

“Đối với hệ thống siêu thị không phải đơn vị nào cũng có sự đầu tư thiết bị ban đầu được tốt. Siêu thị là đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng và bảo quản sản phẩm.

Phải gắn chặt trách nhiệm của siêu thị, đó là nâng cao chất lượng qua các thiết bị bảo quản hàng hóa trong quá trình tiêu thụ”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Đối với các cơ quan nhà nước, ông Nam cho rằng, Nhà nước cần kiểm soát an toàn thực phẩm tại các nhà ăn tập thể bằng biện pháp truy suất nguồn gốc; trong đó, khuyến kích sử dụng các sản phẩm từ các nhà máy (kể cả sản phẩm tươi và đông lạnh), bởi đây là những sản phẩm luôn chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Cùng với đó là việc đầu tư nghiên cứu, thúc đẩy từng bước cải thiện và phát triển các dịch vụ hỗ trợ hoạt động phân phối hiện đại. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức gia tăng sử dụng hàng hóa đã được chế biến qua các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm trên 40% tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Mặt hàng tươi sống lưu thông qua chợ chiếm gần 70% và cũng có tới 60% siêu thị có kinh doanh thực phẩm.

Hàng hóa trong siêu thị hầu hết đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công bố hợp quy hoặc chứng nhận đảm bảo tan toàn thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, việc phát triển mạng lưới chợ siêu thị trên trên toàn quốc là một phần quan trọng trong phát triển hạ tầng thương mại nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ hướng dẫn, vận động, hỗ trợ hộ, cơ sở sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn, liên kết với các kênh phân phối thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Đồng thời, rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; ban hành bổ sung các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tạo điều kiện cho người dân nhận biết, ủng hộ tiêu dùng sản phẩn an toàn và người sản xuất, kinh doanh có thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, phối hợp với Bộ Công Thương trong kiểm soát, ngăn chặn lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông sản an toàn.

Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản, giám sát trên diện rộng, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm sallbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%./.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục