Anh yêu cầu EU điều chỉnh quan điểm để tạo đột phá trong đàm phán

21:58' - 20/12/2020
BNEWS Ngày 20/12, giới chức Anh tiếp tục kêu gọi EU điều chỉnh quan điểm để mở đường tiến tới đột phá trong các cuộc đàm phán quan hệ song phương hậu Brexit.

Cụ thể, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã đề nghị EU bỏ "những đòi hỏi vô lý", đề cập những yêu cầu mà phía Anh cho biết EU mới đưa ra hồi đầu tháng này.

Phát biểu với Sky News, ông Hancock khẳng định Anh muốn có được một kết quả tích cực là một thỏa thuận, tuy nhiên EU đã đưa ra một số đòi hỏi vô lý, không tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân ở Anh.

Ông Hancock nhấn mạnh hai bên có thể đạt được một thỏa thuận nhưng với điều kiện phía EU cần phải điều chỉnh quan điểm.

Anh rời EU từ ngày 31/1 nhưng duy trì mô hình quan hệ cũ cho tới hết ngày 31/12 để có thời gian đàm phán về thỏa thuận quan hệ song phương hậu Brexit.

Tuy nhiên, hiện đàm phán vẫn chưa đạt được kết quả dù chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa Anh chính thức chấm dứt mọi ràng buộc thành viên với EU.

Hiện mỗi bên đều kêu gọi bên kia điều chỉnh quan điểm để tiến tới thỏa thuận và đảm bảo quan hệ thương mại song phương trị giá hàng nghìn tỷ USD không bị tổn hại vì các loại thuế quan và hạn ngạch.

Hai vấn đề gây cản trở chính gồm quyền của ngư dân châu Âu tiếp cận các vùng biển của Anh và các điều khoản giúp tạo một sân chơi bình đẳng với những quy định công bằng cho cả 2 bên.

Nghị viên châu Âu (EP) luôn hối thúc các bên đạt thỏa thuận vào hạn chót là ngày 20/12 thì mới có đủ thời gian để cơ quan này đưa ra thảo luận và thông qua để kịp triển khai từ ngày 1/1/2021.

Tuy nhiên, vài giờ trước hạn chót mà EP đưa ra, 2 bên vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Anh khẳng định không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào "không tôn trọng chủ quyền" của nước này.

Về phần mình, EU cũng luôn muốn bảo vệ thị trường chung, không muốn Anh vừa có lợi thế tiếp cận thị trường đầy lợi nhuận này lại vừa có quyền tự đặt ra quy định.

EU lâu nay vẫn khẳng định ưu tiên đảm bảo quyền giám sát của EP, nhưng trong trường hợp hai bên đạt thỏa thuận muôn hơn hạn chót 20/12 thì vẫn còn khả năng các nghị viện từng nước thành viên có thể thông qua thỏa thuận và áp dụng "một cách có điều kiện" từ đầu năm 2021 trước khi EP phê chuẩn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục