Brexit không thỏa thuận: Con đường trở lại bàn đàm phán sẽ khó khăn hơn

05:30' - 18/12/2020
BNEWS Những hậu quả của một Brexit không thỏa thuận sẽ góp phần quyết định xem các nhà đàm phán của Anh và EU có thể quay trở lại với các cuộc thảo luận mang tính xây dựng sớm hay không.

Theo nhận định của Viện SWP (Đức), cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh về quan hệ tương lai cho tới nay vẫn không có đột phá. Vì thiếu sự đồng thuận nên đến thời điểm cuối năm 2020, kịch bản Anh rời EU (Brexit) mà không có thỏa thuận thương mại song phương đang gần kề. Về mặt kinh tế, khả năng này dẫn tới tác động rất lớn và về hậu quả chính trị còn khó tính toán hơn. 

Anh đã chính thức rời EU, nhưng thời gian chuyển tiếp vẫn kéo dài tới cuối năm. Cho tới lúc đó, một hiệp ước về quan hệ tương lai giữa EU và Anh phải được đàm phán, nếu không Brexit không thỏa thuận sẽ xảy ra. Cho tới nay, đàm phán vẫn còn nhiều khó khăn. 

Tuy cả hai bên luôn nhắc đi nhắc lại rằng họ muốn có một thỏa thuận thương mại song những xung đột vẫn khó có thể vượt qua. Điều này đặc biệt thấy rõ trong luật cạnh tranh công bằng, về ngư nghiệp cũng như những cơ cấu thực hiện các thỏa thuận. 

Tháng 9/2020, Chính phủ Anh đã trút thêm gánh nặng cho đàm phán khi đưa ra Dự luật thị trường nội địa nhằm đảm bảo sự liên kết giao thương chặt chẽ giữa 4 vùng là England (Anh), Wales, Scotland và Bắc Ireland thời hậu Brexit từ tháng 1/2021, song lại có điều khoản vi phạm Thỏa thuận Brexit đã ký với EU trước đó. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu Anh có nhượng bộ vào thời điểm cuối cùng như năm 2019 dù họ đã bày tỏ mong muốn rời bỏ đàm phán trước đó. Các nhà quan sát nhận định rằng, khác với năm 2019, hiện nay không có những giới hạn chính sách trong nước để gây áp lực đối với Thủ tướng Boris Johnson - người muốn tiến tới Brexit "cứng". 

Kịch bản Brexit không thỏa thuận 

Theo như mọi dự đoán kinh tế, Brexit không thỏa thuận là viễn cảnh với nhiều điểm trừ nhất cho Anh, và với EU các ảnh hưởng tiêu cực trong giới hạn. Cái giá của Brexit không thỏa thuận về lâu dài sẽ cao hơn những thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra cho tới nay. 

Vì quan hệ kinh tế gắn bó cũng như vị trí địa lý, kể cả khi đàm phán dừng lại thì mối quan hệ rạn nứt này cũng sẽ được tháo gỡ vào một thời điểm khác. Hoàn cảnh Brexit không thỏa thuận diễn ra sẽ góp phần quyết định xem các cuộc đàm phán mang tính xây dựng có thể quay trở lại sớm và có mục tiêu như thế nào sau những thất bại. 

Trong kịch bản thứ nhất, khi Brexit không thỏa thuận diễn ra một cách "thân thiện" và việc tiếp tục đàm phán dựa trên các dự thảo hiện nay diễn ra trơn tru. Kể cả trong trường hợp này thì Anh vẫn rời khỏi thị trường chung vào ngày 1/1/2021 và các chính sách khác của EU, việc thuế xuất nhập khẩu, kiểm soát biên giới sẽ quay trở lại. Giai đoạn chuyển tiếp không thể kéo dài thêm. 

Tuy nhiên, cả hai phía đều đồng ý về việc giảm những hậu quả xấu của Brexit không thỏa thuận một cách tốt nhất có thể thông qua các biện pháp song phương, ví dụ như thông qua hình thức trọng tài tương đương của EU cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính ở Anh và ngược lại, Anh sẽ công nhận các tiêu chuẩn này. 

London thực hiện đầy đủ trách nhiệm của họ trong Thỏa thuận Brexit liên quan tới vấn đề Bắc Ireland, hiện chỉ liên quan tới các biện pháp hải quan cần thiết trên biển Ireland.

Trên cơ sở đó, trong vài tháng tới đây, những vấn đề còn tranh cãi có thể được giải quyết và một thỏa thuận thương mại toàn diện có thể được ký kết. Thời điểm đó EU sẽ sẵn sàng tuyên bố ưu tiên những phần đã được đàm phán dưới dạng những thỏa thuận riêng lẻ.

Trong vấn đề chính sách ngoại giao và an ninh, London vẫn sẽ là đối tác gần gũi dù hậu quả của cuộc chia tay "thân thiện" này như thế nào. Về vấn đề chính sách khí hậu có một tam giác mới giữa Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden, EU và Anh. 

Tóm lại, nếu đạt được viễn cảnh như trên thì thiệt hại của Brexit không thỏa thuận sẽ được hạn chế. Đồng thời, những người ủng hộ Brexit sẽ cảm thấy phương pháp của họ là chính đáng. 

Theo kịch bản thứ hai, vì không có một giải pháp cho những khác biệt còn tồn tại, một trong hai đối tác đàm phán sẽ rút lui khi thời hạn kết thúc chuyển tiếp tới gần. Sau đó hai bên sẽ nhanh chóng bắt đầu tiến trình cải thiện quan hệ. 

Vào ngày 1/1/2021, thuế xuất nhập khẩu và các hạn chế thương mại khác sẽ được kích hoạt. EU đơn phương quyết định những biện pháp có giới hạn nhằm bảo vệ các ngành bị ảnh hưởng. 

Phía bên kia, Anh cũng sẽ phải chịu các điều kiện thương mại tương tự như các nước thứ ba có thỏa thuận với EU. Hậu quả dễ thấy là chi phí cao hơn cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng Anh-EU, tắc nghẽn hàng hóa, sự chậm trễ và tăng giá thực phẩm cũng như các sản phẩm y tế. 

EU đánh tín hiệu cho biết, họ sẵn sàng thực hiện các biện pháp đơn phương trong trường hợp đàm phán được nối lại, để giảm thiểu những hậu quả của Brexit không thỏa thuận cho Anh, song họ vẫn sẽ giữ các yêu cầu trọng tâm của mình cho thỏa thuận thương mại. Trong năm 2021, một thỏa thuận thương mại thay đổi sẽ được đàm phán thành công. 

Trước sự trở lại bàn đàm phán nhanh chóng thì hợp tác ngoại giao giữa Berlin và London sẽ không có tổn hại lâu dài nào. Về vấn đề hiệp định nguyên tử với Iran, ví dụ như sự đồng tình của E3 (Đức, Pháp, Anh) sẽ được giữ vững. 

Trong kịch bản thứ ba, chính sách Brexit cho tới nay của Anh khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu London có đồng thuận với cuộc đàm phán mới một thời gian ngắn sau khi Brexit không thỏa thuận với nhiều hậu quả nặng nề diễn ra. 

Điều đó đi ngược lại với vị thế quyền lực thế giới của Anh. Những người ủng hộ Brexit tin rằng EU đang đàm phán với một tâm thế không mang tính xây dựng bên cạnh những cáo buộc rằng EU vi phạm quyền lãnh thổ của Anh. Từ đó, người ta có thể thấy một ranh giới rất nhỏ giữa quay trở lại bàn đàm phán và gia tăng căng thẳng trong vấn đề đó, London và Brussels cáo buộc nhau đã phá vỡ thỏa thuận. 

Dưới vai trò đối tác kinh tế nhỏ hơn, Chính phủ Anh có thể tìm ra những khả năng để gây áp lực trong những lĩnh vực mà theo họ là có thể làm tổn hại đến EU hoặc chia rẽ nhóm này. Xung đột về thị trường trong nước của Anh chỉ ra rằng London có thể thúc đẩy việc dừng thực hiện nghị quyết Bắc Ireland. 

Thị trường EU và khu vực hải quan chung sẽ không có một biên giới bên ngoài được bảo vệ. EU phải quyết định rằng, liệu họ muốn bắt buộc thành viên Ireland của mình kiểm soát biên giới với Bắc Ireland hoặc thậm chí biên giới giữa Ireland và phần còn lại của thị trường EU - một viễn cảnh mà Chính quyền Ireland muốn ngăn cản bằng mọi giá. London có thể gây áp lực lên các nước EU khác, như thông qua đóng cửa lãnh thổ trên biển của họ với tàu cá của Pháp. 

Điều quan trọng hơn là những hiệu ứng phát sinh trong chính sách ngoại giao và an ninh. Dù có Brexit thì Anh từ 2016 vẫn là một đối tác gần với Đức trong E3, kể cả khi chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có vị trí khác rõ rệt. 

Cả bà Theresa May, cựu Thủ tướng Anh, và ông Boris Johnson đã có ý thức bỏ những điều kiện an ninh song và đa phương ra khỏi đàm phán Brexit. Một Brexit không thỏa thuận, khi London khiến Brussels chịu trách nhiệm với mọi tổn thất kinh tế, có thể gây sức nặng lớn với mối quan hệ này. 

Đối diện với sự ủng hộ rõ ràng của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho các hình thức đa phương và quá trình hòa bình tại Bắc Ireland thì các biện pháp này có rủi ro chính trị lớn hơn cho ông Johnson. 

Những lựa chọn hành động cho châu Âu 

Chỉ còn vài ngày nữa là thỏa thuận hậu Brexit phải được thống nhất trước khi thời hạn chuyển tiếp kết thúc. Tuy nhiên, kể cả với kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra, hợp tác sâu sắc giữa Anh và châu Âu vẫn có nhiều khả năng được thúc đẩy bởi những quan hệ kinh tế, lợi ích và giá trị chung cùng mối quan hệ văn hóa. Bốn năm đàm phán Brexit cho thấy, trong cuộc chia tay này thì phía Anh hiếm khi lựa chọn sự hợp lý về chính trị hay kinh tế.

Sự tương phản của ba trường hợp đó nhấn mạnh rằng, bỏ dở đàm phán không phải là kết thúc mà là một giai đoạn mới của Brexit. Trong trường hợp đó, lợi ích của châu Âu nằm ở chỗ, hối thúc việc giữ vững thỏa thuận Brexit và quay trở lại bàn đàm phán nhanh nhất có thể. Bởi dù Brexit có là một "cuộc chia tay thân thiện" hay căng thẳng leo thang thì cũng không có lợi cho EU. 

Rủi ro chính trị hình thành tại đây, ranh giới giữa các kịch bản trên phụ thuộc vào phản ứng của của Anh đối với Brexit không thỏa thuận. Do đó, cần lưu ý đến ba công cụ có thể giúp EU khẳng định lợi ích của họ sau Brexit không thỏa thuận. 

Đầu tiên, các nước thành viên bên cạnh kế hoạch kinh tế cũng nên chuẩn bị cho viễn cảnh Brexit không thỏa thuận về mặt chính trị, để đảm bảo sự đồng thuận của 27 thành viên EU. 

Thứ hai, EU cần một chiến lược truyền thông hiệu quả trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. EU cần thể hiện rõ ràng về quan điểm và sự sẵn sàng đàm phán tiếp theo của EU thông qua truyền thông tiếng Anh. 

Thứ ba là trường hợp kết thúc đàm phán hiện thời không thành công có thể có lợi cho EU một cách nghịch lý, nhất là khi các nước thành viên lớn can thiệp vào đàm phán.

Cho tới nay, EU vẫn cùng đoàn kết trong vấn đề nước Anh vì các nước lớn thực hiện đàm phán thông qua Brussels. 

Trong trường hợp Brexit không thỏa thuận leo thang theo chiều hướng xấu đi, Berlin và Paris - có thể cùng với Chính quyền của ông Biden - nên làm rõ ràng rằng họ ủng hộ quan điểm của EU và những nỗ lực của Anh sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương của Anh với những quốc gia này. 

Dù thế nào thì những người ủng hộ Brexit vẫn muốn hợp tác chặt chẽ với Berlin và Paris. Những lợi ích còn đó nên được sử dụng để thu hút London trở lại các cuộc đàm phán mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục