Áo cấm Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh

15:16' - 10/07/2017
BNEWS Một năm sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/7, Bộ Ngoại giao Áo thông báo cấm Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci nhập cảnh nước này.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Bộ Ngoại giáo Áo Thomas Schnoell xác nhận lệnh cấm nhập cảnh đối với Bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nêu rõ chuyến thăm của ông Zeybeckci không nằm trong khuôn khổ các kế hoạch trao đổi ngoại giao song phương mà để xuất hiện tại sự kiện đánh dấu một năm ngày xảy ra cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Áo, sự kiện trên có quy mô "rất lớn", vì vậy sự có mặt của ông Zeybekci có thể sẽ làm xáo trộn trật tự trị an tại Áo.

Trước đó, ngày 7/7, Hà Lan cũng tuyên bố không hoan nghênh Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tugrul Turkes với lý do tương tự.

Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng chỉ trích Đức không cho phép ông phát biểu trước cộng đồng người Thổ nhĩ Kỳ trong dịp ông tới Đức tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg.

Các động thái trên có thể sẽ khiến căng thẳng giữa Ankara và các quốc gia châu Âu tiếp tục leo thang sau một loạt lệnh cấm tương tự đối với các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước này tham dự các sự kiện vận động người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài ủng hộ sửa đổi hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 4 vừa qua.

Sau cuộc đảo chính bất thành do một nhóm các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan khiến 240 thiệt mạng hồi tháng 7 năm ngoái, chính quyền Ankara đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong nhiều tháng liên tiếp nhằm truy quét các đối tượng tình nghi tham gia vào vụ việc đồng thời tổ chức trưng cầu ý dân tăng cường quyền lực cho tổng thống.

Hàng trăm nghìn người làm việc tại các cơ quan nhà nước đã bị sa thải hoặc bắt giam do tình nghi liên quan tới phong trào của giáo sĩ Hồi giáo lưu vong tại Mỹ Fethulla Gulen, vốn bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính. Việc này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia phương Tây trong đó có Đức, Áo và Hà Lan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục