Áp dụng công nghệ để giám sát chặt an toàn giao thông đường sắt

13:17' - 06/11/2018
BNEWS Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để giám sát chặt chẽ, chủ động hơn trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và an toàn chạy tàu.
Từ tháng 7/2018 đến nay Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục phát hiện 4 nhân viên gác đường ngang vi phạm quy định về đón, gửi tàu tại đường ngang tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh và một số tuyến đường sắt khác. Ảnh: minh họa/TTXVN
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có báo cáo về tình hình tai nạn, sự cố giao thông đường sắt tháng 10. Theo đó, trong tháng 10, ngành đường sắt đã xảy ra 20 vụ tai nạn làm 8 người chết, làm bị thương 11 người. Về sự cố chạy tàu xảy ra 98 vụ; trong đó do yếu tố khách quan 49 vụ và do yếu tố chủ quan là 49 vụ.
Theo đánh giá của ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng Ban An toàn an ninh - an toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), tai nạn do khách quan mặc dù đã giảm sâu, tuy nhiên tính chất vụ của tai nạn vẫn phức tạp, khó lường. Tai nạn, sự cố do chủ quan, đặc biệt là sự cố uy hiếp nghiêm trọng an toàn chạy tàu vẫn chưa được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời (vẫn xảy ra sự cố mang tính chất lặp lại như chưa đóng chắn hoặc mở biển đỏ chậm).
“Bên cạnh đó, việc kiểm tra, siết chặt về chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy, toa xe, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; kiểm tra kỹ thuật toa xe trước khi nối vào tàu, khám xe dọc đường; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn xếp hàng lên toa xe vẫn chưa thực hiện quy trình, quy định gây ra sự cố, chậm tàu”, ông Chiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phạm Nguyễn Chiến, trong tháng 11 là thời điểm cuối năm nên nhu cầu đi lại, buôn bán, thăm thân của người dân tăng cao, đồng thời cũng là thời điểm thời tiết giao mùa, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường sắt. Do đó, các đơn vị trong ngành đường sắt cần chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của địa phương, thực hiện các kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt cho biết, từ tháng 7/2018 đến nay Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục phát hiện 4 nhân viên gác đường ngang vi phạm quy định về đón, gửi tàu tại đường ngang tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh và một số tuyến đường sắt khác.
Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị Tổng công ty đường sắt Việt Nam cần chủ động, duy trì thường xuyên việc chỉ đạo, kiểm tra phát hiện và chấn chỉnh xử lý nghiêm khắc các hành vi không chấp hành các quy đinh về an toàn giao thông đường sắt và các quy định khác liên quan đến nghiệp vụ. Đặc biệt, cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông thông đường sắt.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về việc vẫn còn nhiều tồn tại trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt vẫn còn phát hiện nhân viên gác đường ngang ngủ quên không đóng gác chắn đường ngang, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, 3 tháng vừa vừa qua tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Cụ thể, tổng công ty đã đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra thường kỳ, đột xuất; ứng dụng khoa học công nghệ như lắp đặt camera, tăng cường việc tuyên truyền nâng cao ý thức tinh thần của cán bộ, công nhân nhân viên … điều này đã giúp số vụ việc vi phạm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt giảm đáng kể .
“Tuy nhiên, vẫn còn phát hiện một số trường hợp vi phạm trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Những cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Với hàng nghìn con người tuần đường và gác chắn thì việc tuyệt đối hóa là điều rất mong muốn nhưng trên thực tế vẫn để xảy một vài vụ vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy chế chạy tàu”, ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh.
Do đó, ông Vũ Anh Minh cho rằng, trong thời giam tới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cương quyết xử lý vi phạm với nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó, thực hiện một cách bền bỉ để làm sao tác động nâng cao được ý thức của người lao động, đây mới là điều quan trọng nhất. Cùng với các giải pháp trên thì cần phải tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để giám sát chặt chẽ, chủ động hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục