Áp dụng hộ chiếu vaccine - trên hết là an toàn cho người dân

22:03' - 05/05/2021
BNEWS Lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành đã trao đổi về việc triển khai hộ chiếu vaccine; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chiều 5/5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành đã trao đổi về việc triển khai hộ chiếu vaccine; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Về hộ chiếu vaccine, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu, thảo luận.

Nhiều ý kiến cho rằng hộ chiếu vaccine được sử dụng chỉ khi miễn dịch chủ động trong cộng đồng đạt được nhờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Song, chưa đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vaccine đối với các biến chủng của SARS-CoV-2.

"Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm là vấn đề an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu. Bởi vì, vaccine không có loại nào đạt hiệu quả 100%. Mặt khác, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó, khi áp dụng hộ chiếu vaccine, chúng ta phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn" - Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích.

Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc tiêm chủng vaccine, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, cần thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế, thực hiện tốt những biện pháp này là chúng ta đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

* Chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch

Về chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tháng 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản xây dựng đề cương dự kiến các giải pháp báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, và đề nghị các bộ, ngành liên quan như tài chính, lao động - thương binh và xã hội… có ý kiến cũng như có đề xuất để gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong quá trình này, sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành đã phát huy hiệu quả tốt trên cơ sở rà soát các giải pháp trong năm 2020 để đề xuất những giải pháp mới, cũng như kiến nghị mới trong năm 2021. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chờ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành để có báo cáo chung.

Trong lĩnh vực tiền tệ, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01 về cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí…

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động rà soát, cập nhật, ban hành Thông tư số 03 ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01, tiếp tục thực hiện trong năm 2021.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan trình Chính phủ ban hành Kế hoạch số 41 gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Đến nay, sau khi rà soát, đánh giá nội dung, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ để ban hành Nghị định số 52 tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế đất năm 2021…, trong đó có lộ trình chung, đặc biệt là mở rộng về đối tượng.

Cũng trao đổi về chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết lại, sau đó sẽ có báo cáo Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục