Áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc gia tăng

14:27' - 09/11/2024
BNEWS Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10/2024 vẫn ở mức thấp và chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục giảm.

Theo mạng “Liên hợp buổi sáng” ngày 9/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10/2024 vẫn ở mức thấp và chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục giảm, cho thấy áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc ngày càng gia tăng.

 

Số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9/11 cho thấy CPI tháng 10/2024 của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với tháng 9/2024, nhưng tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng được ghi nhận trong tháng 9/2024 và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2024.

Chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 10/2024 phục hồi nhẹ, với mức tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 9/2024. Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết giá thực phẩm giảm 1,2% trong tháng 10/2024, đảo ngược mức tăng 0,8% trong tháng 9/2024. Đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến mức giảm CPI trong tháng 10/2024.

Trong khi đó, chỉ số PPI, phản ánh giá sản xuất, trong tháng 10/2024 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 25 liên tiếp. Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số PPI của Trung Quốc giảm trong bối cảnh giá cả hàng hóa quốc tế nhìn chung giảm.

Tuy nhiên, nhờ các yếu tố như việc thực hiện hiệu quả gói chính sách mới, nhu cầu đối với một số sản phẩm công nghiệp trong nước đã phục hồi, từ đó giúp mức giảm PPI tính theo tháng thu hẹp đáng kể, nhưng mức giảm so với cùng kỳ năm ngoái lại tăng nhẹ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 8/11 đã thông qua gói hỗ trợ lên tới 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) để giảm bớt gánh nặng nợ của chính quyền địa phương, chứ không trực tiếp bơm vốn vào nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục