Áp lực nguồn cung giảm đẩy giá dầu đi xuống

16:27' - 22/04/2024
BNEWS Trong phiên chiều ngày 22/4, giá dầu trên thị trường châu Á đã giảm hơn 1%, do các nhà giao dịch hạ bớt đánh giá rủi ro về nguồn cung, khi cuộc xung đột ở Trung Đông giảm thiểu nguy cơ leo thang.

Lo ngại về nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông đã dần giảm bớt khiến nhu cầu về dầu và vàng đi xuống. Trong khi đó, các nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán đang chờ đợi một số dữ liệu kinh tế Mỹ và Nhật Bản, có thể tác động đến các thị trường.

Giá dầu hạ nhiệt

Trong phiên chiều ngày 22/4, giá dầu trên thị trường châu Á đã giảm hơn 1%, do các nhà giao dịch hạ bớt đánh giá rủi ro về nguồn cung, khi cuộc xung đột Israel và Iran đã giảm thiểu nguy cơ leo thang căng thẳng.

Vào lúc 14 giờ 05 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch quanh ngưỡng 86,08 USD/thùng, giảm 1,21 USD, tương đương 1,4% so với giá của phiên trước. Trong khi, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 97 xu Mỹ, tương đương 1,2%, xuống còn 82,17 USD/thùng.

 

Chuyên gia  Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại ngân hàng IG, nhận định giá dầu Brent không duy trì dược đà tăng ban đầu, bởi những phản ứng nhẹ nhàng từ phía Iran cho thấy căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Iran có thể sẽ giảm bớt.

Cũng theo chuyên gia Yeap Jun Rong, đánh giá thực tế tình hình hiện nay, các thị trường đã tiếp tục giảm bớt phần bù rủi ro địa chính trị gắn liền với sự gián đoạn nguồn cung tiềm ẩn.

Vào cuối tuần trước, cả hai loại dầu chuẩn nói trên đều tăng hơn 3 USD/thùng, sau khi xuất hiện tiếng nổ ở thành phố Isfahan của Iran, làm dấy lên lo ngại về một hành động quân sự. Nhưng Tehran đã tuyên bố không có kế hoạch hành động giúp giảm thiểu những lo ngại.

Bên cạnh đó, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ tăng đã tạo thêm áp lực bán ra. Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (EIA) vào tuần trước cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 2,7 triệu thùng, gần gấp đôi kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng 1,4 triệu thùng.

Nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng nói: “Những lo ngại về hoạt động kinh tế không khởi sắc một lần nữa trở thành yếu tố gây giảm giá của thị trường dầu thô” và giá dầu đang “chịu áp lực do lượng dự trữ lớn của Mỹ tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu nới lỏng chính sách, dẫn đến đồng USD mạnh lên”.

Vàng giảm sức hấp dẫn

Trong bối cảnh lo ngại về khả năng xung đột sẽ lan rộng ở Trung Đông đã giảm bớt, sức hấp dẫn của vàng cũng phần nào hạ nhiệt.

Chiều 22/4, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á giảm hơn 1,4%, dừng ở ngưỡng 2.357,19 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 1,8%, còn 2.371,00 USD/ounce.

Hiện các nhà giao dịch đang chờ đợi số liệu lạm phát quý I/2024 của Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối tuần này để có cái nhìn rõ nét hơn về các tín hiệu lãi suất.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng đã leo lên mức 2.417,59 USD/ounce, rất gần với ngưỡng giá kỷ lục 2.431,29 USD/ounce đạt được vào ngày 12/4.

Nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty dịch vụ tài chính OANDA, Kelvin Wong, nói: “Hiện tại, thiếu chất xúc tác để giá vàng thực sự tăng cao hơn. Tại thời điểm này, có vẻ như thị trường đang nhận ra rằng chi phí nắm giữ vàng đã rất cao”.

Tuy nhiên, chuyên gia Wong cho biết phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị vẫn tích cực trong trung và dài hạn do xung đột giữa Israel và Iran chưa chắc chắn sẽ giảm bớt hoặc sớm kết thúc.

Trong khi đó, kỳ vọng Fed sẽ sớm giảm lãi suất đang dần mờ nhạt. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee, cùng một số quan chức Fed khác, đã tuyên bố rằng lãi suất sẽ cần duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn để áp lực giá được kiểm soát trở lại.

Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 3,2% xuống 27,72 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,6% xuống còn 925,70 USD/ounce và giá palladium giảm 1,7%, dừng ở mức 1.008,62 USD/ounce.

Tại Việt Nam, chiều ngày 22/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 81,00-83,50 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Các thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc

Chiều ngày 22/4, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đã chuyển hướng đi lên trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên, do những kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm hạ lãi suất dần suy yếu, trong khi lo ngại về một cuộc xung đột mở rộng hơn ở Trung Đông cũng phần nào giảm bớt.

Tại Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong đóng cửa ở mức 16.511,69 điểm, tăng 287,55 điểm (tương đương 1,77%), còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tụt xuống mức 3.044,60 điểm, thấp hơn 20,67 điểm (tương đương 0,67%) so với phiên trước đó.

Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đảo chiều so với phiên trước đó, đạt 37.438,61 điểm, tăng 370,26 điểm (tương đương 1%). Các chuyên gia nhận định chỉ số Nikkei 225 hoạt động kém hiệu quả hơn so với các chỉ số khác trong khu vực khi các thị trường đang tập trung chờ kết quả báo cáo tài chính từ các công ty công nghệ, đặc biệt là trong ngành bán dẫn, để đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Các blue chip (cổ phiếu của các công ty chứng khoán có vốn lớn) của Trung Quốc đã giảm 0,18% trong ngày hôm nay (ngày 22/4) do thị trường phản ứng với các biện pháp mới được Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 19/4 nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ trong nước.

Tại thị trường trong nước, đóng phiên chiều 22/4, chỉ số VN-Index tăng 15,37 điểm (1,31%) lên 1.190,22 điểm. Còn chỉ số HNX-Index tăng 4,51 điểm (2,04%) lên 225,31 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục