Áp lực thương mại gia tăng, ECB có thể tiếp tục hạ lãi suất

11:49' - 17/04/2025
BNEWS Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến cắt giảm lãi suất lần thứ 7 trong năm qua vào ngày 17/4 (giờ địa phương) để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn và sẽ chịu tác động lớn từ thuế quan của Mỹ.

ECB đã nhanh chóng nới lỏng chi phí vay khi áp lực giá cả đang giảm dần. Biến động gần đây trên thị trường toàn cầu có khả năng củng cố niềm tin của ngân hàng rằng lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang trong tầm kiểm soát, tạo thêm cơ sở cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể sẽ không đưa ra nhiều gợi ý về tương lai. Thay vào đó, bà dự kiến sẽ giữ vững quan điểm rằng những bất ổn vẫn còn quá lớn để ngân hàng cam kết bất cứ điều gì và ECB sẽ quyết định các bước tiếp theo dựa trên dữ liệu thực tế.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm dừng hầu hết các loại thuế quan, nhiều loại vẫn còn hiệu lực và sự biến động trên thị trường tài chính đã gây ra thiệt hại.

Deutsche Bank cho rằng ngay cả khi Mỹ tạm dừng thuế quan, các yếu tố hiện tại rõ ràng ủng hộ ECB cắt giảm lãi suất. Ngân hàng này nhận định tác động tiêu cực từ thuế quan trả đũa, bất ổn và các điều kiện tài chính đến tăng trưởng có thể vượt dự kiến của ECB.

ECB trước đó ước tính rằng tăng trưởng của Eurozone có thể giảm 0,5 điểm phần trăm nếu Mỹ áp đặt thuế quan, xóa đi một nửa mức tăng trưởng dự kiến của khối. Ước tính này vẫn có thể quá lạc quan nếu ông Trump quay lại áp dụng các rào cản thương mại lớn hơn hoặc nếu Liên minh châu Âu (EU) trả đũa.

Tuy nhiên, sự hỗn loạn do chính sách thương mại thất thường của Mỹ cũng có thể gây áp lực giảm giá, giúp ECB đưa lạm phát trở lại mục tiêu nhanh hơn.

Ngân hàng Morgan Stanley lập luận rằng dựa trên giá thị trường và tỷ giá hối đoái hiện hành, lạm phát thậm chí có thể sớm giảm xuống dưới mục tiêu 2% của ECB từ quý II/2025 trở đi. Lạm phát tại Eurozone có thể sẽ ở dưới mục tiêu trong phần lớn năm 2026.

Một yếu tố nữa ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản và đưa lãi suất tiền gửi xuống 2,25% là việc thị trường đã hoàn toàn đặt cược vào khả năng này. Do đó, ECB có thể sẽ không muốn gây thêm xáo trộn cho các thị trường vốn đang trong trạng thái nhạy cảm.

Mặc dù quyết định này phần lớn được xem là đã chắc chắn, các nhà đầu tư sẽ phân tích kỹ lưỡng các bình luận của bà Lagarde tại cuộc họp báo lúc 12 giờ 45 phút giờ GMT (19 giờ 45 phút giờ Việt Nam) ngày 17/4 để tìm kiếm manh mối về chính sách tương lai.

Ngoài các thông tin liên quan đến chính sách lãi suất, bà Lagarde cũng có thể đối mặt với câu hỏi về ước tính tác động từ kế hoạch tăng chi tiêu mạnh mẽ của Chính phủ Đức dưới thời liên minh cầm quyền mới. Kế hoạch này của Đức được dự báo sẽ thúc đẩy cả tăng trưởng và lạm phát trong trung và dài hạn, tiềm ẩn khả năng buộc ECB phải đảo ngược các đợt cắt giảm lãi suất sau này.

Tuy nhiên, nhiều khả năng bà sẽ không đưa ra câu trả lời, bởi ECB thường chỉ đánh giá tác động của các chính sách đã được chính thức ban hành thay vì các đề xuất.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Reinhard Cluse của ngân hàng UBS cho rằng ECB có thể sẽ phải bắt đầu tăng lãi suất trở lại vào cuối năm 2026 để ngăn chặn lạm phát vượt mục tiêu trong năm 2027. UBS dự báo sẽ có hai đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và tháng 12/2026. Nếu thành hiện thực, lãi suất điều hành của ECB sẽ lên mức 2,5%, cao hơn một chút so với mức được coi là trung tính. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục