Thuế quan Mỹ gây thêm khó khăn cho quyết định lãi suất của ECB

19:42' - 14/04/2025
BNEWS Giới chuyên gia nhận định chính sách thuế quan khó đoán của Mỹ đang làm tăng thêm sự khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách của ECB khi phải quyết định có nên hạ lãi suất một lần nữa hay không.

Ngày 14/4, lợi suất trái phiếu chính phủ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng sau khi giảm vào cuối tuần qua vì khả năng những thiết bị điện tử được miễn áp dụng thuế nhập khẩu cao của Mỹ đã giúp giảm lo ngại về các ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế thế giới.

 

Mỹ đã quyết định không áp thuế đối ứng với những sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính, qua đó tạm thời giảm sức ép đối với những tập đoàn công nghệ lớn. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo việc áp thuế có thể sẽ diễn ra vào một thời điểm nào đó.

Sau quyết định trên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức, loại trái phiếu chuẩn của Eurozone, tăng 4,5 điểm cơ bản, lên 2,57% sau khi giảm 5,5 điểm cơ bản vào cuối tuần. Trái phiếu của Italy có lợi suất kỳ hạn 10 năm không đổi ở mức 3,81% sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng xếp hạng tín dụng dài hạn của nước này từ "BBB" lên "BBB+".

Thị trường tiền tệ định giá lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 1,73% vào tháng 12, so với mức 1,68% vào cuối ngày 11/4 và 1,9% vào ngày 1/4, trước khi ông Trump công bố mức thuế quan toàn diện.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định chính sách thuế quan khó đoán của Mỹ đang làm tăng thêm sự khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách của ECB khi phải quyết định có nên hạ lãi suất khu vực một lần nữa hay không.

ECB dường như sẵn sàng tuyên bố tạm dừng nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp tuần này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, động thái áp thuế toàn diện của Mỹ đã làm tăng khả năng lãi suất giảm thêm một lần nữa.

Dù Tổng thống Mỹ đã tuyên bố tạm dừng trong 90 ngày việc áp dụng thuế quan cao hơn đối với nhiều quốc gia, chỉ giữ nguyên mức thuế cơ sở toàn cầu là 10%, nhưng khả năng ECB điều chỉnh lãi suất vẫn cao. Chuyên gia kinh tế tại công ty quản lý tài sản DWS, bà Ulrike Kastens cho biết: “Tình hình có thể thay đổi chỉ trong vài tuần". Chuyên gia trên dự báo ECB có thể phản ứng bằng cách tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi.

Cuối tuần trước, phát biểu sau các cuộc hội đàm với các bộ trưởng tài chính EU, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ECB "luôn sẵn sàng sử dụng những công cụ mà mình có" trong trường hợp thuế quan có thể ảnh hưởng xấu đến sự ổn định tài chính.

Theo những nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của ECB đang đối mặt với nghịch lý: nên hỗ trợ tăng trưởng bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ hay kiềm chế cú sốc lạm phát mà thuế quan có thể gây ra?

Theo chuyên gia Sven Jari Stehn tại ngân hàng Goldman Sachs, câu trả lời phụ thuộc vào kỳ vọng lạm phát. Ông cho rằng: “Ước tính của chúng tôi cho thấy thuế quan của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng nhưng chỉ ảnh hưởng nhẹ và tạm thời đến lạm phát”.

Theo lý thuyết chính sách tiền tệ tiêu chuẩn, ECB có thể giảm lãi suất miễn là kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn ổn định. Các mô hình của Goldman Sachs cho thấy trong kịch bản này, ECB nên “bỏ qua” đợt tăng lạm phát ngắn hạn và tiếp tục hạ lãi suất.

Goldman Sachs dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 4/2025, sau đó giảm tiếp xuống 2% vào tháng 6/2025.

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nếu đợt tăng lạm phát ban đầu tác động đến kỳ vọng dài hạn. Nếu doanh nghiệp và người lao động bắt đầu điều chỉnh mức lương và giá cả theo dự báo lạm phát cao hơn, ECB có thể buộc phải hành động để ngăn lạm phát kéo dài.

Chuyên gia Stehn nhận định: “Nếu điều này xảy ra, chính sách tối ưu có thể phải thắt chặt tiền tệ hơn. ECB khi đó không thể lo ngại về tác động của thuế quan đối với tăng trưởng, mà cần tập trung vào kiểm soát lạm phát”.

Dù vậy, ông cũng lưu ý rằng tác động vòng hai này cần phải rất mạnh – tức là làm kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng mạnh trên diện rộng – thì mới đủ cơ sở để ECB thay đổi hướng đi chính sách tiền tệ. Hiện tại, Goldman Sachs đánh giá rằng xu hướng tiền lương và kỳ vọng lạm phát vẫn đủ ổn định để ECB cân nhắc giảm lãi suất.

Ông Ruben Segura-Cayuela, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Bank of America, cũng dự báo ECB có thể giảm lãi suất, nhưng với tốc độ thận trọng hơn.

Bank of America giữ quan điểm rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 4/2025, sau đó đưa lãi suất tiền gửi xuống 1,5% vào tháng Chín, dù khả năng trì hoãn đến tháng 12 vẫn có thể xảy ra.

Còn theo khảo sát ý kiến của các nhà phân tích do hãng tin Bloomberg thực hiện mới đây, ECB sẽ có thêm hai đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm 2025. Tuy nhiên, mức lãi suất được dự đoán sẽ không xuống dưới ngưỡng 2%.

Cuộc khảo sát hàng tháng cho thấy ECB có khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất tại các cuộc họp vào tháng 4/2025 và tháng 6/2025. Điểm khác biệt so với dự báo trước đó là các chuyên gia nhận định lãi suất tiền gửi, hiện ở mức 2,5%, sẽ giữ ổn định ở mức 2% cho đến hết giai đoạn dự báo.

Hồi giữa tháng 2/2025, phần lớn các nhà phân tích vẫn dự đoán một đợt cắt giảm cuối cùng, lãi suất sẽ giảm xuống 1,75% vào tháng 3/2026.

Sự thay đổi nhẹ trong quan điểm này diễn ra sau khi các nước châu Âu có kế hoạch tăng cường đáng kể đầu tư vào quốc phòng, một động thái được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang chững lại và có thể gây áp lực lạm phát. Bên cạnh chi tiêu quân sự, Đức cũng đang xem xét cải tổ cơ sở hạ tầng cũ kỹ với khoản đầu tư thêm hàng trăm tỷ euro.

Nhà kinh tế Marco Wagner tại ngân hàng Commerzbank, nhận định các khoản chi tiêu này sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát vào cuối năm 2026.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo Robert Holzmann cũng có chung quan điểm. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3/2025, ông cảnh báo ECB nên "án binh bất động" trong cuộc họp tới, và thậm chí có thể phải bắt đầu tăng lãi suất trở lại. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan Olli Rehn lại cho rằng "không nhất thiết" phải làm chậm quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thị trường đang có những biến động trái chiều. Các nhà đầu tư đã giảm bớt kỳ vọng vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay và hiện dự đoán chỉ có một hoặc hai đợt cắt giảm, bao gồm khả năng tạm dừng vào tháng 4/2025.

Các chuyên gia tham gia khảo sát vẫn dự đoán nền kinh tế Eurozone sẽ lấy lại đà tăng trưởng, dự báo mức tăng 0,9%, 1,2% và 1,5% trong ba năm tới. Những dự báo này về cơ bản phù hợp với dự báo của chính ECB.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục