Áp lực trả lãi ngân hàng, người vay mua nhà, mua xe có sẵn sàng chuyển nợ?

07:16' - 24/08/2023
BNEWS Trước áp lực trả lãi ngân hàng vay mua nhà, mua xe, nhiều khách hàng quan tâm đến việc được chuyển nợ theo quy định của Thông tư 06 nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn.
Nhiều người vay trả góp mua nhà, mua xe vẫn đang phải gồng mình trả lãi ngân hàng ở mức cao dù lãi suất đã liên tục điều chỉnh giảm trong thời gian qua. Bởi hầu hết các mức giảm này đều chỉ áp dụng với các khoản vay mới.

Tuy nhiên sắp tới, người mua nhà, mua xe ô tô sẽ được vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác. Nhưng liệu những khách hàng này có sẵn sàng chuyển nợ sang ngân hàng có lãi suất thấp hơn?

Gồng mình trả nợ

Chị Hoàng Thanh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết vừa thanh toán khoản tiền gốc và lãi vay ngân hàng tới hơn 19 triệu đồng cho khoản vay trả góp mua nhà trị giá 1,2 tỷ đồng.

"Thông tin giảm lãi suất liên tục xuất hiện trên báo chí, lãi suất tiết kiệm cũng giảm sâu được cả nửa năm. Nhưng lãi suất vay mua nhà của gia đình tôi tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vẫn neo cao từ 14,9-15,4%/năm. Cho đến nay, mặc dù lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này đã giảm xuống dưới 6%/năm nhưng tôi vẫn chưa nhận được một thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nào", chị Thanh chia sẻ.

 
Được biết, thời gian đầu chị Thanh vay mua nhà tại ngân hàng, lãi suất ưu đãi ở mức 6,5%/năm. So với thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, việc trả lãi ngân hàng không gây áp lực cho gia đình chị. Tuy nhiên, lãi suất này chỉ áp dụng trong 12 tháng, sau đó thả nổi.

"Thời điểm hết hạn lãi suất vay ưu đãi cũng là lúc các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay vì thế cũng tăng mạnh. Từ 6,5%/năm lên 10,2%/năm rồi 14,9%/năm, và hiện tại là 15,4%/năm. Riêng trả lãi ngân hàng mỗi tháng hơn 15 triệu đồng, cộng thêm tiền gốc nữa là gần hết thu nhập. Tôi phải nhận thêm việc về nhà làm để có thêm đồng ra đồng vào. Không biết sắp tới lãi suất có thể giảm hay không?", chị Thanh lo lắng.

Cũng vay mua nhà, chị Chung Hà (ở quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) cho biết mức lãi suất gia đình chị đang phải trả Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lên tới 15,9%/năm, gây áp lực không nhỏ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập bị giảm sút. So với lãi suất vay ban đầu, mức lãi suất hiện tại đã tăng gấp đôi.

Tuy không vay mua nhà nhưng anh Tùng Lâm (ở quận Long Biên, Hà Nội) lại có khoản nợ khác, áp lực trả lãi ngân hàng mỗi tháng lên tới cả chục triệu đồng.

"Vay tiền ngân hàng để mua ô tô chạy xe dịch vụ nhưng chỉ riêng trả lãi ngân hàng mỗi tháng lên gần 10 triệu đồng thật sự là một áp lực tài chính rất lớn đối với tôi. Các ngân hàng đang tung ra nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho các khách hàng vay mới, thường khoảng 7,5-8,6%/năm, nhưng với khách hàng vay cũ, lãi suất thả nổi lên đến gần 11%/năm, thậm chí có ngân hàng còn áp dụng lãi suất hơn 14%/năm. Lãi suất giảm nhanh mà lãi vay nợ cũ vẫn cao quá khiến tôi phải gồng mình vừa trả nợ ngân hàng vừa trang trải chi phí sinh hoạt khác!", anh Lâm chia sẻ.

Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng trong tháng 8/2023 áp dụng từ 4,99%/năm đến gần 12%/năm đối với khách hàng vay mới. Trong đó, lãi suất thấp nhất ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) 4,99%/năm. Tuy nhiên, mức hấp dẫn này chỉ cố định trong thời gian 3 tháng đầu với các khoản vay trên 24 tháng; từ tháng thứ 4 trở đi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi, ước khoảng trên 13%/năm.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay mua nhà với lãi suất từ 7,8%/năm; Ngân hàng TNHH Một Thành Viên Shinhan Việt Nam từ 7,99%/năm; Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) từ 8,2%/năm...

Còn đối với các khoản vay mua ô tô, lãi suất tại các ngân hàng thương mại đang từ 6,99-14,6%/năm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng lãi suất thấp nhất từ 6,99%/năm cố định trong 6 tháng đầu hoặc từ 7,49%/năm cố định trong 12 tháng đầu.

Chuyển nợ có khả thi?

Trước bối cảnh lãi suất cho vay khách hàng cũ vẫn neo cao, thông tin về quy định cho phép cá nhân vay mua nhà, mua ô tô có thể chuyển khoản nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác kể từ ngày 1/9 tới đây được nhiều người đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, theo Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Quy định mới được đánh giá là thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho khách hàng được chọn lựa ngân hàng vay vốn và cũng tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác vốn đã được quy định từ Thông tư 39. Tuy nhiên việc chuyển nợ trước đây chỉ được áp dụng đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, còn không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Sang đến Thông tư 06, quy định được mở rộng, ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô. Do đó, về quy trình chuyển nợ đối với các ngân hàng sẽ không có gì khó khăn. Cái khó của ngân hàng nằm ở chỗ làm sao để tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn và giữ được chân khách hàng vay vốn.

Về phía người đi vay, dù cũng quan tâm đến việc chuyển nợ theo quy định của Thông tư 06 nhưng các khách hàng như chị Thanh, chị Hà hay anh Lâm vẫn còn nhiều điều băn khoăn. Trong đó 2 vấn đề lớn nhất đặt ra là lãi suất ưu đãi ở mức thấp sẽ có thể kéo dài trong bao lâu và liệu phần tiết kiệm được từ lãi suất thấp hơn đó có đủ bù lại cho các chi phí phát sinh khi chuyển nợ sang ngân hàng khác như phí trả sớm nợ vay, phí thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp...

Trao đổi với phóng viên, Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá việc mở rộng quy định áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống giúp khách hàng vay có thể tiếp cận được tín dụng giá rẻ. Đồng thời, điều này cũng sẽ giúp môi trường cạnh tranh giữa các ngân hàng minh bạch hơn, đòi hỏi ngân hàng phải thấu hiểu nhu cầu khách vay, điều chỉnh lãi suất ở mức phù hợp để giữ chân khách hàng.

Tuy vậy, để vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác theo vị chuyên gia cũng không hẳn đã dễ dàng. Khách vay mua nhà, mua xe thường đã thế chấp chính ngôi nhà hay chiếc xe của mình để vay vốn tại ngân hàng A. Nếu muốn vay được vốn ở ngân hàng B, người đó cần nộp đủ tiền vào ngân hàng A để tất toán khoản nợ và lấy lại tài sản đã thế chấp, từ đó mới mang sang ngân hàng B để thế chấp vay vốn mới.

"Từ đó đòi hỏi cần có quy định về sự liên thông giữa các ngân hàng qua Trung tâm dữ liệu ngân hàng để có thể chuyển tài sản thế chấp từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Khi đó người đi vay chỉ cần tới ngân hàng B để đề nghị vay vốn để trả ngân hàng A. Có như vậy người dân mới thực sự dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn rẻ hơn theo đúng tinh thần của Thông tư mới", ông Thịnh chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục