Áp lực tỷ giá hiện hữu nhưng trong tầm kiếm soát

17:59' - 03/04/2024
BNEWS Tỷ giá liên tục tăng mạnh trong các phiên gần đây nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu tuy nhiên chưa đáng lo ngại vì vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong quý I/2024, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,12% và tỷ giá trung tâm tăng 0,57% so với cuối năm 2023.

Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế (chỉ số DXY tăng 2,93% so với cuối năm 2023); chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn duy trì ở mức âm, kích thích các hoạt động đầu cơ tỷ giá; nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng lên cùng với đà tăng trưởng xuất nhập khẩu và yếu tố thời vụ khi một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển lợi nhuận về nước.

Theo Công ty KB Securities Vietnam, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng chưa phải mối lo lớn với Việt Nam. Tỷ giá trong nước được dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng tỷ giá tăng là do trong quý I, các nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu  tăng lên, cùng đó là tác động từ đà tăng mạnh của giá vàng  khiến người dân có tâm lý chuyển sang mua USD.

Ngày 3/4, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.020 VND/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua.

Thời điểm 15 giờ 00, giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.750 - 25.120 VND/USD (mua vào - bán ra), BIDV ở mức 24.815 - 25.125 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 150-160 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên hôm qua.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, dù áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực, với mức giảm khoảng 1,5%. Trong 10 quốc gia châu Á, đồng baht của Thái Lan mất giá mạnh nhất so với đầu năm khi giảm tới 5%, kế đến là đồng ringgit của Malaysia (giảm 3,8%) và won của Hàn Quốc (giảm 3,1%).

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong nước, kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh, áp lực lạm phát, việc lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán là sẽ neo ít nhất đến quý II/2024 nên Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với áp lực tăng tỷ giá USD/VND.

Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng dự báo, áp lực tỷ giá vẫn còn nhưng sẽ giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất dự kiến vào cuối quý II/2024, giảm mức độ chênh lệch lãi suất USD và VND, qua đó, giảm đầu cơ tỷ giá.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, điều hành tỷ giá linh hoạt như mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối kết hợp với việc hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng. Từ đó, đã góp phần đưa ra và để lại lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng.

Bên cạnh đó, đối với các giao dịch tổ chức tín dụng mua ngoại tệ kỳ hạn với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã gia hạn các giao dịch này, qua đó Ngân hàng Nhà nước không hút, trì hoãn việc hút VND từ lưu thông về.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng nhấn mạnh, việc điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp, can thiệp ngoại tệ linh hoạt, chủ động cùng với các biện pháp khác của Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường, quá mức đối với tỷ giá thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục