APEC 2017: Hợp tác thương mại khu vực tăng trưởng bền vững, hiệu quả

16:15' - 11/05/2017
BNEWS Trong ngày 11/5 một số các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã được tổ chức.
Ngày 11/5, Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) tổ chức Cuộc họp kỹ thuật của Diễn đàn quản lý rượu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Ngày 11/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra Cuộc họp Uỷ ban Thương mại và Đầu tư - Hội thảo về hội nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành dịch vụ - Thiết kế thời trang và Cuộc họp kỹ thuật của Diễn đàn quản lý rượu.

Ngành thời trang đóng góp quan trọng cho GDP toàn cầu

Cuộc họp Uỷ ban Thương mại và Đầu tư (CTI) – Hội thảo về hội nhập Doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành dịch vụ - Thiết kế thời trang là hoạt động do Bộ Công Thương chủ trì với mục đích giới thiệu và thảo luận về các kết quả nghiên cứu trong hội nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành thời trang.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Andrew Yeun, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC Hong Kong (Trung Quốc) khẳng định, ngành thời trang không những có giá trị kinh tế to lớn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong định hướng văn hoá xã hội. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, ngành thời trang đã đóng góp khoảng 2% vào GDP toàn cầu, tương đương với 1,3 tỷ USD.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung phân tích những chính sách và biện pháp hỗ trợ cho ngành thời trang ở các nền kinh tế thành viên APEC. Bên cạnh đó, đại diện các quốc gia đã cùng thảo luận các chủ đề liên quan đến ngành thiết kế thời trang và hội nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, các quốc gia cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành thời trang để phát huy được lợi thế, tiềm năng của ngành này, nhất là tại các nước có nhiều điều kiện thuận lợi về sản xuất nguyên liệu và thị trường lao động.

Hợp tác trong kiểm soát, truy xuất nguồn gốc rượu

Trong ngày 11/5 đã diễn ra Cuộc họp kỹ thuật của Diễn đàn quản lý rượu (WRF) với chủ đề “Xây dựng quan hệ để thúc đẩy hợp tác” do Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) tổ chức.

Nội dung làm việc của Cuộc họp xoay quanh các vấn đề về hợp tác truy xuất nguồn gốc rượu, sản xuất rượu, độ an toàn của rượu, công nghệ vi sinh học và tiêu chuẩn rượu quốc tế, cũng như việc kiểm soát rượu nhập khẩu ở Việt Nam, góp phần đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Các đại biểu tham dự Cuộc họp tập trung bàn thảo về Mẫu giấy chứng nhận rượu xuất khẩu (Model Export Certificate) đã được Hội nghị Bộ trưởng Thương mại (MRT) thông qua tại Peru năm 2016, nhằm loại bỏ rào cản kỹ thuật trong xuất nhập khẩu rượu trong khu vực APEC.

Tại Cuộc họp, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu và giới nghiên cứu khoa học đã gặp gỡ, trao đổi, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong phương thức phân tích rượu, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ghi nhãn, tiêu chuẩn quốc tế về phụ gia…

Để thực hiện các mục tiêu dài hạn, Diễn đàn quản lý rượu (WRF) còn xây dựng“Kế hoạch hành động thi hành luật". Đây là một dự án hướng tới việc làm giảm rào cản thương mại, tăng cường hài hòa hoá các quy định, tiêu chuẩn đối với thương mại rượu vang trong khu vực APEC.

Diễn đàn quản lý rượu được thành lập năm 2008. Trong những năm qua, Diễn đàn đã tổ chức được nhiều hoạt động tại các quốc gia trên thế giới, như các cuộc họp tại San Francisco, Mỹ (năm 2011); Auckland, New Zealand (năm 2012); Washington. DC, Mỹ (năm 2013); Bắc Kinh, Trung Quốc (năm 2014); Adelaide, Australia (năm 2015) và Ottawa, Canada (năm 2016).

Các cuộc họp thuộc Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần này là cơ hội rà soát kết quả của các chương hành động đã thực hiện trong thời gian qua; đề ra các nội dung, yêu cầu cần phối hợp, triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy thương mại khu vực tăng trưởng bền vững, hiệu quả./.

Xem thêm:

APEC 2017: Hỗ trợ hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới APEC

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục