APEC 2017: Startup Việt “trình làng”

15:23' - 12/09/2017
BNEWS Trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017, gần 40 dự án khởi nghiệp (Startup) ở Việt Nam đã tham gia thuyết trình nhằm tìm kiếm nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 đang diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh, gần 40 dự án khởi nghiệp (Startup) ở Việt Nam với nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau đã tham gia thuyết trình, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ nhằm tìm kiếm nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng.

Đây là cơ hội tốt cho những người trẻ sáng tạo không chỉ tiếp cận với nguồn tài chính, thị trường mà còn có thể học hỏi kinh nghiệm về khởi nghiệp ở các nền kinh tế thành viên APEC.

Họ đã khởi nghiệp như thế nào?

Theo quan sát của phóng viên, lĩnh vực khởi nghiệp của các Startup Việt khá đa dạng, từ công nghệ thông tin, thương mại điện tử, đến dệt may, nông nghiệp….

Trong đó, các nhóm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ - thông tin chiếm ưu thế với nhiều sản phẩm mới như ứng dụng đặt chỗ sân golf, dịch vụ cho thuê tài xế...

Chia sẻ lý do chọn lĩnh vực công nghệ để khởi nghiệp, anh Nguyễn Xuân Bằng, thành viên sáng tạo ứng dụng Gcall cho biết, nhu cầu kết nối thông tin của xã hội ngày càng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Nhân viên ở các doanh nghiệp hiện sử dụng cùng lúc rất nhiều ứng dụng liên lạc khác nhau để liên hệ với khách hàng, đối tác….

Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có ứng dụng nào có thể giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện các hoạt động liên lạc.

Gcall được thiết kế để trở thành phần mềm có thể giúp người dùng quản lý toàn bộ quá trình trao đổi thông tin, có thể sử dụng ở cả hai điều kiện có hoặc không có kết nối internet.

Theo anh Nguyễn Xuân Bằng, khó khăn lớn nhất của các dự án khởi nghiệp công nghệ hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp chính để phát triển thị trường. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa xem công nghệ là lợi thế cạnh tranh.

Mặt khác, xuất phát từ việc có ít nguồn lực về tài chính và nhân sự nên rất nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư, đổi mới công nghệ.

Để phát triển thị trường, phải thuyết phục được khách hàng nhận thấy những lợi ích lâu dài của việc sử dụng sản phẩm. Nói cách khác, người bán hàng phải làm cho khách hàng thấy sản phẩm của mình là cần thiết chứ không phải chỉ là một sản phẩm phụ trợ.

Không chạy theo xu hướng chung của các bạn trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ - thông tin, chị Phùng Thị Thu Thủy, người sáng lập thương hiệu Peony lựa chọn phát triển sản phẩm dệt may.

Thay vì kinh doanh các sản phẩm thời trang mang tính đại trà, thương hiệu Peony chọn hướng đi là các sản phẩm được thiết kế theo số lượng giới hạn, họa tiết trang trí được vẽ tay hoàn toàn. Đối tượng khách hàng hướng đến của Peony là người thành đạt và các chính trị gia.

Khác với nhiều Startup khác, chị Phùng Thị Thu Thủy không gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như nguồn cung nguyện phụ liệu khi tạo ra các sản phẩm thời trang, bởi trước đó chị đã xây dựng thành công một doanh nghiệp kinh doanh trong ngành bán lẻ.

Nhờ đó, việc phát triển dự án mới chỉ cần tập trung vào việc tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách hàng tiềm năng.

Từ kinh nghiệm của mình, chị Phùng Thị Thu Thủy cho rằng, các bạn trẻ thiếu vốn nhưng có ý tưởng khởi nghiệp hay nên hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thế mạnh về vốn và quan hệ đối tác rộng rãi.

Một số doanh nghiệp khởi sự kinh doanh thành công chia sẻ, nguyên nhân thất bại của nhiều bạn trẻ mới khởi nghiệp ngoài yếu tố thiếu vốn còn do chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý các nguy cơ rủi ro khi thực hiện dự án.

Không ai có thể biết hết mọi thứ, người có chuyên môn kỹ thuật thì thiếu kinh nghiệm kinh doanh, ngược lại người có kiến thức kinh doanh lại không am hiểu kỹ thuật.

Vì vậy, để thành công, những người có tinh thần khởi nghiệp nên chia sẻ cơ hội và kết hợp với các đối tác phù hợp để phát huy thế mạnh tổng hợp.

Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, thời gian gần đây, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Trong đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp khá tốt, đây chính là hạt giống quan trọng để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, để xây dựng cộng đồng này thành công thì vai trò của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp và sự nỗ lực của các Startup là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng, tính khả thi của các ý tưởng khởi nghiệp hiện nay là rất thấp.

Nhiều bạn trẻ Việt Nam đang khởi nghiệp theo phong trào, khởi nghiệp trên diện rộng mà chưa tìm hiểu sâu về quy trình cơ bản của một Startup.

Theo ông Ngọc, lựa chọn sản phẩm là một trong những quy trình quan trọng quyết định sự thành công của các Startup.

Theo đó, sản phẩm được lựa chọn phải phù hợp với năng lực, hiểu biết của người cung cấp; đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu thị trường và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, để khởi nghiệp thành công cần sự kết hợp hài hòa giữa nội lực của người khởi nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng cho rằng, cách quản lý Nhà nước hiện nay không phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - một nền tảng quan trọng của hoạt động khởi nghiệp.

Xu hướng phát triển mới này đòi hỏi quản lý nhà nước phải tạo môi trường cho mọi tư duy sáng tạo phát triển, ngược lại nếu chỉ lo đặt “cái khuôn” trước thì không thể phát triển được.

“Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số nước đã thay đổi cách quản lý về mặt hành chính. Họ thành lập nguyên một Bộ chuyên quản lý các vấn đề về kỹ thuật số (Digital Ministry), bởi kỹ thuật số không chỉ áp dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà được áp dụng hầu hết ở tất cả các lĩnh vực, hoạt động. Đơn cử như vấn đề quản lý Uber ở Việt Nam hiện được phân cấp Bộ Giao thông Vận tải. Nhưng thực tế cho thấy, Bộ này làm sao có thể quản lý, giải quyết vấn đề liên quan đến kỹ thuật số", chuyên gia Trần Du Lịch dẫn chứng.

Báo cáo về nghiên cứu khởi nghiệp toàn cầu (GEM) mới đây cũng đã đưa ra một số khuyến nghị các nền kinh tế cần tập trung cải thiện để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp.

Cụ thể, các nền kinh tế cần tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ; chú trọng đầu tư vào đổi mới sản phẩm và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, cần cải thiện mạnh mẽ hệ thống đào tạo về kinh doanh, đặc biệt ở bậc phổ thông…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục