APEC 2017: Triển vọng hợp tác kinh tế- Vì một APEC thịnh vượng, tiến bộ

18:50' - 15/05/2017
BNEWS Hợp tác kinh tế là một trong những yếu tố then chốt giúp tạo đà tăng trưởng bền vững bao trùm đối với Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Bên lề Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), các đại biểu cấp cao đến từ các nền kinh tế thành viên APEC đã nêu ý kiến về triển vọng tăng trưởng trong khu vực APEC cũng như khuyến nghị các chính sách trong hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng và tiến bộ.

Tin tưởng về triển vọng tăng trưởng

Nhận xét về triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tiến sỹ Wang Zhennyu đến từ Ủy ban Quốc gia Trung Quốc về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho biết: Trong tương lai gần, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là hình mẫu cho tăng trưởng của thế giới. Hơn nữa, khu vực này vẫn còn nhiều tiềm năng phát huy mức tăng trưởng.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Tiến sỹ Wang Zhennyu bày tỏ tin tưởng triển vọng tăng trưởng trong khu vực sẽ làm sâu sắc thêm các lĩnh vực hợp tác kinh tế.

Tiến sỹ Wang Zhennyu nhận thấy, mạng lưới sản phẩm trong khu vực và trên toàn cầu nay đang có xu hướng gắn với những đổi mới, sáng tạo về kỹ thuật, công nghệ. Với việc hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC cam kết mở cửa thị trường, hợp tác kinh tế APEC dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới.

Cũng theo Tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, để tăng trưởng bền vững, bao trùm, các nền kinh tế thành viên APEC cần tập trung nhiều hơn vào nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, phát triển kỹ năng, chuyển dịch từ trường học tới việc làm, thị trường lao động, an sinh xã hội…

Thúc đẩy APEC trở thành khu vực tự do thương mại

Theo Đại sứ Don Campbell, đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương năm 2017, mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư được đưa ra từ năm 1994 đặt ra tầm nhìn đến năm 2020.

Hiện nay, các nền kinh tế thành viên APEC đã thiết lập quan hệ thương mại tự do và rộng mở giữa các nền kinh tế phát triển, nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế kém phát triển hơn.

Các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực tự do thương mại và đẩy mạnh các mục tiêu quan trọng khác đến năm 2020 như: tăng trưởng bền vững cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đón nhận công nghệ mới như: số hóa, in 3D, kỹ thuật tự động hóa… giúp các nền kinh tế thành viên APEC phát triển, tương tác với nhau.

Ông Don Campbell cho rằng, khu vực APEC với một số nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia hứa hẹn tiếp tục phát triển trong 20-30 năm tới. Để đạt được mức tăng trưởng như mong muốn, các nền kinh tế thành viên APEC cần bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng…

Ông Don Campbell cho biết: Với vai trò là một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ định hướng các chính sách hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định, thịnh vượng, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương tiếp tục phân tích khách quan nghiêm túc, xây dựng các giải pháp thực tiễn cho những vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thảo luận các vấn đề về hợp tác, chính sách phối hợp, từ đó thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục