APEC 2017: Việc làm cho người khuyết tật -Nhìn từ các nền kinh tế thành viên APEC

17:27' - 10/05/2017
BNEWS Ngày 10/5, tại Hà Nội, Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) và Nhóm Bạn về người khuyết tật (GOFD) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về thúc đẩy việc làm của người khuyết tật.
Đại diện nền kinh tế Mỹ Christopher Watson phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tại Hội nghị, đại biểu một số nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật.

Phát huy năng lực người khuyết tật

Bà Jenjeera Boonsombat, đại biểu đến từ Thái Lan chia sẻ, hiện nay, Thái Lan có một hệ thống hạn mức bắt buộc, yêu cầu các nhà sử dụng lao động phải tuyển dụng người khuyết tật với tỉ lệ ít nhất là 1% trên tổng số lao động được tuyển dụng.

Đồng thời, Thái Lan có chính sách thu thuế riêng biệt đối với những nhà sử dụng lao động không muốn sử dụng người khuyết tật. Bên cạnh đó, một số đạo luật về nâng cao quyền của người khuyết tật quy định cấm phân biệt đối xử và phải cung cấp, hỗ trợ chỗ ở hợp lý; xúc tiến việc làm và xây dựng quỹ công cộng cho người khuyết tật.

Ngoài ra, Thái Lan còn xây dựng Kế hoạch Quốc gia về trao quyền cho người khuyết tật nhằm hướng dẫn thực hiện các chính sách, hệ thống hạn mức và cung cấp đào tạo nghề cho người khuyết tật; kế hoạch hướng tới việc trao quyền cho người khuyết tật tham gia các tổ chức người khuyết tật, góp phần giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng và hỗ trợ họ trong quá trình ra quyết định.

Bà Jenjeera Boonsombat cho biết: Chính phủ Thái Lan dành nhiều sự quan tâm, ưu tiên dành cho người khuyết tật; khuyến khích người khuyết tật tham gia vào khối doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan Nhà nước.
Bà Jenjeera Boonsombat nhấn mạnh, giờ đây, đánh giá của người dân Thái Lan về năng lực của những người khuyết tật phần nào thay đổi.

Họ hiểu rằng, những người khuyết tật cũng có cơ hội việc làm như những người bình thường. Nếu người khuyết tật có môi trường làm việc tốt, được đào tạo nghề, truyền dạy kiến thức, họ sẽ phát huy được năng lực làm việc và không thua kém những người lao động khác.

Người khuyết tật không mang lại gánh nặng kinh tế mà chính họ cũng có ích trong phát triển kinh tế - xã hội từ những công việc của mình.

Nâng cao chất lượng nghề nghiệp cho người khuyết tật

Theo bà Su Chao Ju, Giám đốc Bộ phận hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn thuộc Văn phòng Phát triển nguồn nhân lực, Bộ Lao động Đài Loan (Trung Quốc), vùng lãnh thổ này có hơn 1 triệu người khuyết tật. Đài Loan cung cấp nhà ở cho tất cả các đối tượng này; triển khai chính sách bắt buộc có một số lượng người khuyết tật nhất định trong lực lượng lao động nhằm tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật.

Bà Su Chao Ju cho rằng, người khuyết tật luôn gặp khó khăn trong tiếp cận việc làm. Do vậy, điều cần làm hiện nay, nâng cao chất lượng nghề nghiệp cho người khuyết tật. Các Chính phủ cần cung cấp việc làm đa dạng và các dịch vụ việc làm đầy đủ cho người khuyết tật, từ đó thúc đẩy tạo cơ hội việc làm cho họ.

Một trong những nội dung của Luật thực hiện Công ước Quốc tế về người khuyết tật Đài Loan (Trung Quốc) được thông qua tháng 8/2015 là bảo vệ và cung cấp việc làm cho người khuyết tật.

Các nhà sử dụng lao động phải tuyển dụng người khuyết tật với tỷ lệ ít nhất 3% trong khu vực công và 1% trong khu vực tư nhân.

Điều 5, Luật Dịch vụ việc làm của vùng lãnh thổ này cũng quy định rõ về việc cấm người sử dụng lao động phân biệt đối xử đối với người xin việc hoặc nhân viên là người khuyết tật.

Điều 65 của Luật này cũng nêu rõ, người khuyết tật có thể khiếu nại với chính quyền địa phương về việc họ bị phân biệt đối xử trong vấn đề việc làm. Mức xử phạt dành cho người phạm tội phân biệt đối xử đối với người khuyết tật từ 10.000 USD - 51.000 USD.

Cung cấp cơ hội việc làm bình đẳng cho mọi người.

Tại Australia, các nhà tuyển dụng phải cung cấp cơ hội việc làm bình đẳng cho mọi người. Theo đó, nếu người khuyết tật có khả năng thực hiện các hoạt động thiết yếu hoặc yêu cầu vốn có của công việc, họ phải được trao cơ hội để làm công việc đó như những người khác.

Trong trường hợp cần thiết, người sử dụng lao động phải hỗ trợ cung cấp chỗ ở linh hoạt tại nơi làm việc cho người khuyết tật để tạo thuận lợi cho người khuyết tật.

Theo Đạo luật chống phân biệt đối xử đối với người khuyết tật (năm 1992), đối với những người khuyết tật yêu cầu hỗ trợ tại nơi làm việc, các nhà sử dụng lao động tại Australia sẽ hỗ trợ họ về dụng cụ, thiết bị làm việc, phương tiện đi lại cho những người không thể sử dụng hệ thống giao thông công cộng; xây dựng kế hoạch hỗ trợ việc làm chuyên biệt theo nhóm mục tiêu.

Người khuyết tật được hưởng các chương trình bảo hiểm như những người lao động tham gia dịch vụ việc làm khác.

Những quy định này góp phần thúc đẩy duy trì và bảo vệ các quyền, lợi ích công bằng cho người khuyết tật; đóng vai trò là một cơ chế quan trọng đảm bảo tuân thủ Công ước Quốc tế về các quyền của người khuyết tật thông qua các giải pháp cải thiện giáo dục, việc làm, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo cuộc sống độc lập và có cơ hội tham gia tích cực vào cộng đồng của người khuyết tật.

>>>APEC 2017: Thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục