APEC tăng cường hội nhập và kết nối

05:30' - 08/11/2017
BNEWS Trong hai thập kỷ qua, APEC đã trở thành một cơ chế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hợp tác khu vực, mang lại lợi ích to lớn cho các nền kinh tế thành viên.
Đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC tham dự Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Các hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ trước đến nay được coi là tương đối thành công, giúp hội nhập khu vực tốt hơn, giảm căng thẳng và có những bước tiến đáng kể về cải cách kinh tế.

Từ bước ngoặt của thượng đỉnh đầu tiên ...

Theo tờ The Weekend Australian, cuộc gặp giữa Thủ tướng Australia Paul Keating và Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Nhà Trắng vào tháng 9/1993 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng không chỉ trong quan hệ hai nước mà còn đối với sự phát triển của APEC.

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, sức mạnh kinh tế đang dịch chuyển từ Tây sang Đông, cả ông Keating và ông Clinton đều là thế hệ lãnh đạo mới và có cùng chí hướng về sự cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế để đón làn sóng tăng trưởng toàn cầu tiếp theo.

Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Keating đã gửi tới nhà lãnh đạo Mỹ một thông điệp quan trọng, theo đó, nước Mỹ có cơ hội lịch sử để thể hiện vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế và giải quyết căng thẳng giữa các quốc gia.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của APEC diễn ra vào ngày 14/9/1993 đã cung cấp nền tảng cho một kỷ nguyên mới của sự gắn kết trong khu vực. Hồ sơ chính thức của hội nghị thượng đỉnh APEC năm đó đã được Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Australia giải mã mới đây và cung cấp cho chuyên mục Inquirer của tờ The Australian.

Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống George HW Bush tại tòa nhà Kirribilli ở thành phố Sydney đầu tháng 1/1992, chỉ vài ngày sau khi ông trở thành Thủ tướng Australia, ông Keating đã nói với Tổng thống Bush rằng Mỹ có nguy cơ bị “bỏ lại phía sau” nếu Washington không tái tập trung chính sách của mình đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Keating đã nêu ý tưởng nâng tầm APEC từ cuộc họp của các bộ trưởng thương mại lên cuộc họp của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Khi đó, nhận được ủng hộ của Tổng thống Bush, Thủ tướng Keating đã kêu gọi sự đồng thuận trên khắp khu vực. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/1992 đã khiến ý tưởng này “suýt” đổ vỡ.

Tháng 2/1993, Thủ tướng Keating đã viết thư cho ông Clinton về việc nâng cao vai trò của APEC. Tân tổng thống Mỹ lúc đó rất “thận trọng” vì trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước. Đến tháng 3/1993, Tổng thống Clinton đã viết thư trả lời rằng ông ủng hộ việc phát triển APEC và sẽ “xem xét nghiêm túc” về một hội nghị thượng đỉnh của APEC.

Đến giữa năm 1993, Thủ tướng Keating đã giành được sự ủng hộ của các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Indonesia về một hội nghị thượng đỉnh APEC mà biên tập viên đối ngoại của tờ The Australian Greg Sheridan gọi nỗ lực của ông Keating là “chính sách ngoại giao con thoi”.

Tổng thống Clinton đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC đầu tiên tại thành phố Seattle, quê hương của hai tập đoàn khổng lồ Microsoft và Boeing. Cuộc họp này đã đặt ra những mục tiêu trọng tâm như phát triển chính sách hợp tác để đối phó với những thách thức đang nổi lên, trong đó có nhu cầu bảo vệ môi trường, thúc đẩy khả năng kết nối tốt hơn và phát triển nguồn nhân lực.

Tờ The Australian lưu ý rằng ngay trước cuộc gặp với nhà lãnh đạo Australia, Tổng thống Clinton đang trong giai đoạn chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Sự việc trên đã tái khẳng định quan điểm của ông Keating rằng APEC là cách để Washington thể hiện sự can dự tích cực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi NAFTA gây ra quan ngại rằng Mỹ có thể đang rút lui khỏi khu vực này. Ông Keating cũng nhấn mạnh rằng một cuộc đối thoại kinh tế chặt chẽ hơn sẽ xây dựng lòng tin giữa các quốc gia.

 ... đến những thách thức ngày nay

Theo học giả Andrew Elek thuộc trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia, các nhà lãnh đạo APEC có thể tự hào về những kết quả đã đạt được.

Một phần lớn thương mại hàng hoá sẽ không phải đối mặt với những rào cản thương mại hoặc rất thấp, sự tiến bộ đáng kể đã được thực hiện nhằm làm giảm hạn chế về thương mại dịch vụ trong khi hầu hết các lĩnh vực hiện đang mở cửa cho đầu tư quốc tế.

Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Nhằm đáp ứng nhu cầu chung về khôi phục đà tăng trưởng và liên kết sâu rộng ở khu vực, góp phần hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại – đầu tư vào năm 2020, ông Elek đã chỉ ra những mục tiêu thực tế mà các nhà lãnh đạo APEC có thể thiết lập nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách quan trọng nhất và đem lại hiệu quả cho sự hợp tác tự nguyện giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Trong đó, vấn đề biến đổi khí hậu là thách thức kinh tế cấp bách nhất đối với khu vực. Hiệp định khí hậu Paris được coi là một mô hình tự nguyện của APEC giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chuyên môn giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp đẩy nhanh việc nắm bắt công nghệ mới để giảm lượng khí thải.

Mặt khác, những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người máy và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra sự điều chỉnh cơ cấu sâu rộng và những thay đổi trên thị trường lao động.

APEC có thể phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để đưa ra các biện pháp thúc đẩy việc cách mạng hóa khả năng của người lao động, giúp họ tiếp thu và sử dụng các kỹ năng mới, tiếp cận và tận dụng những cơ hội mà xu thế phát triển công nghệ đang mở ra.

Những lợi ích tiềm năng từ khả năng kết nối con người là lớn hơn nhiều so với bất kỳ nỗ lực tự do hóa thương mại nào ở một số ít sản phẩm vẫn còn chịu rào cản thương mại truyền thống nặng nề.

Theo học giả Andrew Elek, APEC không nên để mình bị sa lầy trong cuộc đàm phán về thương mại đối với một vài loại hàng hóa nhạy cảm. Hợp tác tự nguyện giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp hiện thực hóa nhiều cơ hội quan trọng, trong đó có Kế hoạch thực hiện lộ trình cạnh tranh dịch vụ của APEC.

Thay vì thiết lập một mục tiêu khó có thể đạt được cho “giấc mơ” đầu tư - thương mại hoàn toàn tự do và cởi mở, APEC có thể thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng nhưng có ý nghĩa thực tế trong trung hạn.

Ông Elek nêu ví dụ về việc thực hiện một loại Thẻ du khách thường xuyên APEC (AFTC), dựa trên sự thành công của Thẻ doanh nhân APEC. Bắt đầu thí điểm ở các nền kinh tế tiên phong, chương trình du khách đáng tin cậy này có thể được mở rộng đáng kể, với những mục tiêu thực tế, cho các giai đoạn đến năm 2020 và năm 2025.

Xem thêm:

APEC 2017: Đảm bảo môi trường kinh doanh tự do

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục