Apple đối mặt với rắc rối pháp lý tại Anh và Pháp

10:09' - 26/07/2023
BNEWS Apple đang là mục tiêu của vụ kiện tập thể khi các nhà phát triển ứng dụng của Anh đòi bồi thường thiệt hại 785 triệu bảng Anh (1 tỷ USD) liên quan đến khoản phí họ phải trả cho ứng dụng App Store.

Vụ kiện được Giáo sư Sean Ennis tại Trung tâm Chính sách Cạnh tranh thuộc Đại học East Anglia, thay mặt cho 1.566 nhà phát triển ứng dụng tại Vương quốc Anh, đệ trình lên Tòa Phúc thẩm về vấn đề cạnh tranh.

 

Tuyên bố được Đại học East Anglia nêu rõ: "Apple đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình bằng cách tính phí 'hoa hồng' quá cao - thường là 30% - đối với các ứng dụng và giao dịch mua nội dung kỹ thuật số trong ứng dụng".

Các khoản phí này không công bằng và liên quan tới việc Apple lạm dụng vị thế để đưa ra mức phí cao. Điều này không chỉ gây hại cho các nhà phát triển ứng dụng mà còn tác động tới cả người mua ứng dụng.

Apple đã phải đối mặt với sự giám sát ở Mỹ và châu Âu liên quan đến việc nắm giữ App Store và các nhà phát triển không thể bán trực tiếp ứng dụng cho khách hàng của tập đoàn công nghệ này.

Theo Giáo sư Ennis, Apple sở hữu vị trí thống trị trên thị trường phân phối ứng dụng trên thiết bị iOS, vì App Store là kênh duy nhất có sẵn để phân phối ứng dụng cho người dùng thiết bị này.

Về phần mình, Apple cho biết các nhà phát triển có thể cung cấp ứng dụng cho người dùng thông qua mọi trình duyệt web mà không cần thông qua App Store. Tập đoàn này cũng khẳng định rằng phần lớn các nhà phát triển không trả tiền hoa hồng cho Apple và hầu hết các ứng dụng chỉ phải chịu khoản phí 15%, đặc biệt là nhờ các trường hợp miễn trừ dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Không chỉ đối mặt với vụ kiện tập thể ở Anh, Apple cũng đang gặp rắc rối ở Pháp khi Cơ quan Giám sát chống độc quyền của Pháp ngày 25/7 đưa ra tuyên bố phản đối vì lo ngại công ty công nghệ Mỹ này có thể đã dùng “các điều kiện phân biệt đối xử và không minh bạch” để sử dụng dữ liệu của người dùng cho mục đích quảng cáo trên iPhone.

Theo cơ quan trên, tuyên bố này kích hoạt một tiến trình chống độc quyền phù hợp, trong đó Apple sẽ có thể bày tỏ quan điểm của mình.

Vào năm 2020, 4 hiệp hội trong ngành quảng cáo trực tuyến của Pháp đã đệ đơn khiếu nại chống độc quyền về những thay đổi mà Apple đã thực hiện đối với các tính năng bảo mật khi bắt đầu hỏi chủ sở hữu iPhone xem họ có sẵn sàng cho phép các ứng dụng thu thập dữ liệu được sử dụng để xác định và gửi quảng cáo được nhắm mục tiêu hay không.

Theo các hiệp hội này, những thay đổi do Apple đưa ra không đáp ứng các quy tắc về quyền riêng tư của Liên minh châu Âu, điều mà Apple phủ nhận.

Tuy nhiên, trong phản hồi mới nhất, Apple lập luận rằng cơ chế này "cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn bằng cách yêu cầu tất cả các ứng dụng phải xin phép trước khi theo dõi họ”. Tập đoàn này cũng cho biết sẽ tích cực phối hợp với cơ quan quản lý chống độc quyền của Pháp trong vấn đề trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục