ASEAN 2020: ​Phát triển đô thị thông minh và bền vững

10:55' - 17/07/2020
BNEWS Sáng 17/7, Việt Nam – Chủ tịch luân phiên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (gọi tắt là ASCN) năm 2020 chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến.

Năm 2020, các quốc gia trên thế giới cũng như ASEAN đang phải tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với đại dịch COVID-19. Trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” của năm Chủ tịch ASEAN 2020, sáng 17/7, Việt Nam – Chủ tịch luân phiên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (gọi tắt là ASCN) năm 2020 chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Phạm Hồng Hà chia sẻ, Hội nghị thường niên lần thứ 3 ASCN 2020 trực tuyến hôm nay minh chứng rõ nét cho “một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trước những thách thức và cơ hội mới.

Năm 2018, ASCN được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 ở Singapore nhằm xây dựng một nền tảng hợp tác để các thành phố có thể chia sẻ những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững.

Khung Mục tiêu (ASCF) 2018 đã được xây dựng và thống nhất triển khai trong các quốc gia thành viên.

Theo đó, xây dựng và quản lý đô thị hóa thông minh cần gắn với quy hoạch đô thị thông minh, trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị.

Ba kết quả chiến lược mà các thành phố thành viên cùng hướng đến là: nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao.

Năm 2019, ASCN đã thông qua Điều khoản Tham chiếu định hình khung hoạt động chính, bao gồm: thúc đẩy các đối thoại giữa các nước thành viên; cung cấp các đầu vào chiến lược về sáng kiến đô thị thông minh; đề xuất giải pháp thực hiện; chia sẻ các thực tiễn tốt về đô thị thông minh; cung cấp mối quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài khối để xúc tiến phát triển đô thị thông minh; thúc đẩy tiêu chuẩn đô thị thông minh phù hợp đặc điểm địa phương.

Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được Thái Lan – Chủ tịch ASCN 2019 tổ chức tại Thái Lan và các nước đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, từ khi tham gia ASCN Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, đề án đã xác định 3 nhóm nội hàm ưu tiên gồm: Quy hoạch đô thị thông minh, Quản lý đô thị thông minh và Tiện ích đô thị thông minh.

Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, hiện nhiều đô thị ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường... từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không bỏ lại ai phía sau.

Đô thị thông minh là xu hướng của thời đại; trong đó quản lý phát triển đô thị hiệu quả, khoa học, toàn diện được thực hiện thông qua việc hoàn thiện năng lực ra quyết định dựa trên nền tảng hệ thống dữ liệu liên thông và tăng cường hợp tác, chia sẻ và phối hợp đa ngành đa lĩnh vực - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Phát triển đô thị thông minh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và nguồn nhân lực của toàn xã hội; trong đó sự tham gia của khối tư nhân trong vai trò hỗ trợ nguồn lực, sáng kiến và giải pháp công nghệ là rất quan trọng để đẩy nhanh tiến trình và hiện thực hóa đô thị thông minh, đảm bảo hiệu quả toàn diện.

Năm 2020, chủ đề xuyên suốt cho các hoạt động của ASCN là “Đô thị thông minh – hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN Gắn kết và chủ động thích ứng”.

Các hoạt động này được tổ chức hướng tới mục tiêu: thúc đẩy sự đa dạng trong sự thống nhất; thúc đẩy sự tham gia tích cực và hợp tác đoàn kết của các thành viên; thúc đẩy các chương trình nghị sự với các đối tác ngoài khối; thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân; duy trì và phát triển các đối thoại ASCN.

Ông Lim Jock Hoi - Tổng Thư ký ASEAN đánh giá, ASEAN đã tạo được động lực cho đô thị thông minh để đầu tư vào công nghệ, giải quyết những thách thức của đô thị cũng như tạo ra nguồn lực tăng trưởng mới. Đây là cơ hội tốt để tranh thủ sự lãnh đạo, năng lực thành phần của các đô thị cũng đối tác ngoài khối của ASEAN trong cuộc khủng hoảng này.

Khi xây dựng lại nền kinh tế sau đại dịch, vấn đề quan trọng là phải xây dựng lại quan hệ đối tác của đô thị thông minh trong khu vực và của ngoài khu vực để đạt được những tác động hữu hình.

Điều quan trọng là phải đưa ra được những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn nguồn lực cả trên phần cứng – phần mềm của công nghệ số, kết nối; đồng thời phải có những ứng phó hiệu quả trước đại dịch giữa các thành phố.

Muốn vậy, cần có sự hợp lực với nỗ lực trong xây dựng đô thị thông minh của ASEAN; đặc biệt là những nỗ lực hiện nay trong kết nối kỹ thuật số của ASEAN và chiến lược đô thị hóa của ASEAN, cũng như diễn đàn thị trưởng ASEAN.

"Chúng ta cần có sự hiểu biết tốt hơn giữa khu vực công và khu vực tư nhân để giúp tăng cường tiềm năng và nguồn vốn của khu vực, cũng như thực hiện những cơ hội về đô thị thông minh sau đại dịch" - ông Lim Jock Hoi nhấn mạnh.

Hội nghị Thường niên lần thứ 3 ASCN tập trung thảo luận và thông qua một số văn kiện. Trên cơ sở những nguyên tắc thống nhất này, 26 đô thị thành viên của ASCN sẽ xây dựng cho mình một tầm nhìn trung hạn, lập và triển khai kế hoạch hành động của mỗi năm phù hợp với điều kiện địa phương của mỗi quốc gia, đảm bảo phát huy được bản sắc riêng của từng đô thị, từng quốc gia, đóng góp cho bản sắc chung của ASCN.

Các đô thị thành viên sẽ cập nhật tình hình phát triển đô thị thông minh và chia sẻ kinh nghiệm trong nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ nghe các đối tác ngoài khối chia sẻ các đề nghị hợp tác.

Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASCN 2020 sẽ nỗ lực hết mình cho sự phát triển chung của Mạng lưới và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cam kết.

Nếu đại dịch COVID-19 sớm được kiểm soát và trong điều kiện cho phép, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn cao cấp ASCN vào cuối năm 2020 để trao đổi sâu sắc và toàn diện hơn về các kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phát triển đô thị thông minh giữa các quốc gia, đô thị thành viên và thúc đẩy quan hệ đối tác ngoài khối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục