Tp.HCM chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho Đề án xây dựng đô thị thông minh

20:17' - 16/07/2020
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội (người dân, doanh nghiệp - nhà đầu tư, các hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội) cùng tham gia triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh.

Các dự án hợp phần giai đoạn 1 của 3 trụ cột Đề án xây dựng đô thị thông minh sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động đã góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là nhận định được đưa ra buổi khảo sát tình hình triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 16/7.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh, việc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh là một trong những vấn đề mới đối với đất nước và thành phố. Thông qua buổi khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố muốn nắm tình hình triển khai thực hiện Đề án, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật.

Đoàn mong muốn sẽ đồng hành, hỗ trợ thành phố trong triển khai hiệu quả, kịp thời Đề án này, nhất là giải quyết các vướng mắc liên quan quy định pháp luật; trong đó có các quy định các văn bản pháp luật, những quy định dưới luật.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lê Quốc Cường cho biết, đến nay, Ban Điều hành đã hoàn thành và công bố kết quả giai đoạn 1 của 3/4 trụ cột Đề án, đó là Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội.

Cụ thể, việc triển khai Cổng dữ liệu thành phố cung cấp nơi khai thác tập trung Khu dữ liệu dùng chung của thành phố, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu để thực hiện công tác quản lý, tác nghiệp, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước thành phố.

Một phần của Kho dữ liệu dùng chung được chia sẻ qua Cổng dữ liệu mở của thành phố, bước đầu chia sẻ tài nguyên dữ liệu với người dân, doanh nghiệp, khuyến khích người dân tích cực tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội; đồng thời, khuyến khích sự hợp tác người dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng tham gia sử dụng dữ liệu mở.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh Thành phố giai đoạn 1 đi vào vận hành sẵn sàng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố trong các đợt cao điểm; là cơ sở để đánh giá và nghiên cứu xây dựng mô hình kiến trúc kỹ thuật tổng thể, thiết kế kỹ thuật của Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố và các Trung tâm chuyên ngành, quận, huyện trong thời gian tới.

Trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm điều hành đô thị thông minh chuyển đổi tạm thời thành Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch với đường dây nóng tiếp nhận và giải đáp thông tin, phản ánh của người dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn .

Trụ cột thứ 3 của Đề án là Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội đã được thành lập và đi vào hoạt động chính thức, góp phần phục vụ cho công tác dự báo. Trong đó, việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập, môi trường với một số kết quả bước đầu đã cung cấp một số tiện ích cho người dân, doanh nghiệp như tra cứu thông tin giao thông, quy hoạch, ngập nước giúp người dân có được những trải nghiệm mới khi sử dụng các ứng dụng thông minh.

Các mô hình quận, huyện trực tuyến, Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin hco người dân, tổ chức và doanh nghiệp (1022) được triển khai rộng rãi cũng đã mang lại sự thuận lợi cho sự tương tác giữa người dân, tổ chức với các cơ quan nhà nước, cũng như tạo điều kiện tốt hơn đề người dân, tổ chức tham gia giám sát, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng chính quyền.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Quốc Cường, quá trình triển khai thực hiện Đề án cho thấy cần thiết phải tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của các thành phố tiên tiến trên thế giới để vận dụng vào đặc điểm cụ thể của Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi phải bám sát công nghệ hiện đại, phải dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai, để có thể lựa chọn công nghệ mang tính mở, có khả năng chuyển đổi, tích hợp giữa công nghệ hiện tại và tương lai. Trong khi đó, quy trình thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước phức tạp, thời gian kéo dài, dẫn đến việc khi dự án được thông qua thì giải pháp công nghệ không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, thành phố chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội (người dân, doanh nghiệp - nhà đầu tư, các hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội) cùng tham gia triển khai Đề án. Công tác tuyên truyền về nội dung, kết quả và quá trình triển khai đề án chưa thực sự hiệu quả để người dân và toàn xã hội nắm rõ mục đích, ý nghĩa của đề án và tham gia đề xuất các giải pháp, ý tưởng sáng kiến xây dựng đô thị thông minh, cũng như trực tiếp sử dụng, khai thác các tiện ích, dịch vụ thông minh.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện của thành phố đã báo cáo tiến độ triển khai Đề án Đô thị thông minh; các khó khăn và đề xuất giải pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án liên quan đến tài chính, kỹ thuật, nhân lực và các quy định của pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục