Australia chạy đua với thời gian diệt "giặc lửa"

16:24' - 22/12/2019
BNEWS Sau khi bùng phát và nhanh chóng lan rộng trong hai ngày trước, đến đêm 21/12 và rạng sáng 22/12, các đám cháy tại bang New South Wales (NSW), Victoria và South Australia đã dịu bớt.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Dargan, Australia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các đám cháy rừng tại Australia đã bớt nghiêm trọng do sự xuất hiện của luồng không khí lạnh. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa vẫn đang tiếp tục chạy đua với thời gian để dập tắt lửa hoàn toàn trước khi thời tiết được dự báo sẽ nóng trở lại trong những ngày tới.

Sau khi bùng phát và nhanh chóng lan rộng trong hai ngày trước, đến đêm 21/12 và rạng sáng 22/12, các đám cháy tại bang New South Wales (NSW), Victoria và South Australia đã dịu bớt.

Theo đại diện của cơ quan cứu hỏa NSW, cháy rừng vẫn đang tiếp tục lan rộng tại khu vực Blue Mountains, phía Tây thành phố Sydney và đây sẽ là "điểm nóng" trong cuộc chiến chống "giặc lửa" của lực lượng cứu hỏa địa phương. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành thống kê sơ bộ mức độ thiệt hại của thảm họa cháy rừng.

Theo ghi nhận của cơ quan cứu hỏa NSW, tính tới ngày 22/12, trên toàn bang đã xảy ra hơn 105 đám cháy và đến nay vẫn còn 59 đám cháy chưa thể dập tắt.

Thời tiết trong mấy ngày tới tiếp tục hỗ trợ công tác cứu hỏa, do đó, lực lượng phòng cháy chữa cháy ở nước này sẽ ưu tiên dập tắt các đám cháy gần khu vực dân cư.

Những tháng gần đây, Australia đã phải hứng chịu thảm họa cháy rừng nghiêm trọng với diện tích rừng bị phá hủy ước tính bằng diện tích của cả nước Bỉ.

Cháy rừng đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, phá hủy 800 nhà dân. Ô nhiễm không khí do cháy rừng đã bao trùm nhiều địa phương, đe dọa sức khỏe của cư dân khu vực chịu ảnh hưởng. Cháy rừng lan rộng ra diện tích tới 3 triệu hécta.

Ngày 22/12, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tới thành phố Sydney, thị sát tình hình dập cháy rừng tại đây, động viên và cổ vũ tinh thần các nhân viên cứu hỏa.

Phát biểu tại đây, ông thừa nhận mối liên hệ giữa cháy rừng và tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng ông vẫn bảo vệ chính sách phát triển năng lượng của chính phủ.

Australia hiện là một trong những nước phát thải CO2 tính trên đầu người lớn nhất thế giới.

Quốc gia châu Á - Thái Bình Dương này cũng đã cam kết đến năm 2030 giảm 26% lượng khí thải so với lượng khí phát thải năm 2005.

Tuy nhiên, việc Canberra theo đuổi chiến lược phát triển năng lượng than đá đã khiến ông Morrison bị chỉ trích "nói không đi đôi với việc làm"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục