Australia khan hiếm sản phẩm và nhân lực công nghệ thông tin: Cơ hội cho DN Việt

10:31' - 12/08/2021
BNEWS Do đại dịch COVID-19 gây tác động và các điều kiện cạnh tranh nội địa về chất lượng, chi phí tiền lương ở mức cao, hiện các nguồn cung sản phẩm và nhân lực CNTT của Australia tương đối khan hiếm.

Từ ngày 10-12/8, một hội nghị kết nối thương mại trong lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam – Australia đã được tổ chức lần đầu tiên, dưới hình thức trực tuyến.

Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Công nghiệp thông tin Australia (AIIA) thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Australia.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phát biểu trong phiên họp chính ngày 11/8, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho biết dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tới hoạt động đi lại toàn cầu, làm gián đoạn các kết nối trực tiếp.

Giữa bối cảnh đó, ngành công nghệ thông tin (CNTT) thế giới dường như đã chuyển sang một giai đoạn khác, là một trạng thái bình thường tiếp theo. Trong mấy năm gần đây, cả Việt Nam và Australia đều đẩy mạnh phát triển CNTT, theo đó chú trọng mục tiêu chuyển đổi số.

Năm 2018, Australia đã công bố Tầm nhìn 2025, một chiến lược chuyển đổi số nhiều tham vọng, phấn đấu là một trong 3 nước dẫn đầu thế giới về chính phủ số. 

Thông qua mối quan hệ Đối tác chiến lược chặt chẽ, Việt Nam và Australia đã ký kế hoạch hành động giai đoạn 2020 – 2023, bao gồm ba trụ cột Kinh tế, Chính trị - An ninh quốc phòng và Đổi mới sáng tạo, cả ba trụ cột này đều liên quan đến chuyển đổi số.

Ngoài ra, chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, dự kiến ký kết vào tháng 10 tới, cũng rất coi trọng vấn đề này. Đại sứ cho rằng thời cơ hiện nay không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là sẽ hỗ trợ sự phát triển của cả hai nền kinh tế Việt Nam – Australia thông qua hợp tác CNTT, góp phần tạo ra nhiều tiện ích cho người dân hai nước.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký VINASA, tin tưởng các doanh nghiệp Việt Nam và Australia đang có nhiều điều kiện phù hợp để gia tăng hợp tác với nhau, song việc tiếp cận thông tin và kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Australia hiện chưa tương xứng với tiềm năng.

Với việc một hội nghị chuyên môn dành riêng cho lĩnh vực CNTT lần đầu tiên được tổ chức, Tổng Thư ký VINASA hy vọng đây sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp Australia có thể tìm đến với các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam và tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, tăng cường kết nối nhiều hơn.

Theo VINASA, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam gia tăng rất nhanh, từ mức 260 triệu người vào năm 2015 đã lên đến 400 triệu người vào năm 2020, đạt 70% dân số.

Do dịch bệnh COVID-19 tác động, cùng với sự nhân rộng số lượng người dùng mới trên Internet, quy mô các giao dịch thương mại kỹ thuật số của Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt ghi nhận trong số lượng người tiêu dùng lần đầu tiên sử dụng loại dịch vụ này.

Theo ông Đỗ Thanh Bình, thành viên của VINASA, đây là những yếu tố tạo ra cú hích giúp ngành CNTT của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Ông Đỗ Thanh Bình cho biết nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam hiện đạt hơn 1 triệu người, trải rộng trên nhiều chuyên ngành từ phần cứng, phần mềm, nội dung kỹ thuật số…

Với các chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, nhằm hỗ trợ ngành CNTT phát triển, việc tham gia thị trường CNTT Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi: nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, các chính sách hỗ trợ của chính phủ, quyền tiếp cận một thị trường gồm 97 triệu dân của Việt Nam và cơ hội thâm nhập vào thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu người.

Ông Ron Gauci, Giám đốc điều hành của AIIA, nhận định Australia và Việt Nam đều có những thế mạnh riêng về CNTT, do đó, có những cơ hội mà doanh nghiệp hai nước có thể tận dụng lẫn nhau.

Tại Australia nền kinh tế hoạt động dựa trên nền tảng CNTT đang phát triển rất mạnh mẽ, bao trùm nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, khai khoáng, giáo dục và y tế. Hiện nay, nhu cầu về nhân lực và các sản phẩm CNTT của Australia là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lực CNTT, trong khi chính phủ chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghệ kỹ thuật số.

Ông Gauci nhấn mạnh đây sẽ là thời cơ cho các tổ chức, công ty của Việt Nam, vốn có thế mạnh trong lĩnh vực CNTT, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Australia và ngược lại cũng là cơ hội cho các công ty, tổ chức của Australia có thể thuê được nguồn nhân lực CNTT từ xa chất lượng cao của Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết dung lượng thị trường của ngành công nghiệp cung cấp phần mềm tại Australia có trị giá lên đến 13 tỷ AUD (8,9 tỷ USD).

Do đại dịch COVID-19 gây tác động và các điều kiện cạnh tranh nội địa về chất lượng, chi phí tiền lương ở mức cao, hiện các nguồn cung sản phẩm và nhân lực CNTT của Australia tương đối khan hiếm.

Nắm bắt được tình hình, ngay từ đầu năm nay, Thương vụ đã phối hợp chuẩn bị xây dựng Diễn đàn xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật số của Việt Nam sang Australia. Bên cạnh việc tham gia, phối hợp tổ chức các sự kiện như hội nghị lần này, Diễn đàn cũng đang chuẩn bị ra mắt một nền tảng có tên DigiViet-Aus.com, dự kiến vào tháng 9 tới, để tạo nền tảng kết nối thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước.

Ông Nguyễn Phú Hòa chia sẻ mọi doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam có nhu cầu trở thành thành viên của diễn đàn, có thể gửi email về địa chỉ vntrade@bigpond.net.au để đăng ký.

Hội nghị kết nối thương mại trong lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam – Australia đã thu hút sự quan tâm và tham dự của rất nhiều doanh nghiệp cả ở Việt Nam và Australia. Các đại biểu đã có những bài tham luận sôi nổi và tham gia thảo luận mang tính xây dựng, với mong muốn mở rộng hơn nữa mạng lưới hợp tác CNTT giữa hai nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang khẳng định VINASA quyết tâm hỗ trợ hội viên tiếp cận một cách tốt nhất vào thị trường Australia trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục