Australia: Thành phố Melbourne tiếp tục giãn cách thêm ít nhất 1 tuần

12:36' - 11/08/2021
BNEWS Không chỉ người dân Melbourne, hơn 5 triệu người dân ở thành phố Sydney thuộc bang New South Wales cũng đang trong tuần thứ 7 thực hiện lệnh giãn cách, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 8 này.

Năm triệu người dân tại thành phố Melbourne, lớn thứ 2 tại Australia, sẽ tiếp tục thực hiện lệnh giãn cách để phòng chống dịch COVID-19 thêm ít nhất 1 tuần sau khi chính quyền bang Victoria ngày 11/8 quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa tại thành phố này.

Trước đó, ngày 5/8, thành phố Melbourne bắt đầu triển khai biện pháp phong tỏa lần thứ 6 kể từ khi dịch bùng phát. Biện pháp được áp dụng sau khi Melbourne ghi nhận ổ dịch mới tại một trường học có sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và ổ dịch này sau đó lây lan nhanh chóng.

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cho biết các quy định phong tỏa sẽ được gia hạn cho tới ít nhất là ngày 19/8, sau khi thành phố ghi nhận thêm 20 ca mắc mới chỉ trong một đêm, trong đó có một số ca chưa rõ nguồn lây.

Không chỉ người dân Melbourne, hơn 5 triệu người dân ở thành phố Sydney thuộc bang New South Wales cũng đang trong tuần thứ 7 thực hiện lệnh giãn cách, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 8 này.

Bang New South Wales ngày 11/8 thông báo ghi nhận 344 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại bang này kể từ khi phát hiện ổ dịch ở Sydney hồi giữa tháng 6 lên hơn 6.100 ca.

Hàng trăm nghìn người dân sinh sống tại các vùng ngoại ô Sydney như Newcastle, Byron Bay và Dubbo, hiện cũng bắt đầu thực hiện phong tỏa sau khi số ca mắc mới tăng nhanh trong những ngày gần đây.

Hiện giới chức đang đặt hy vọng vào chiến dịch thúc đẩy tiêm phòng mới giúp tăng độ bao phủ tiêm chủng trong vài tuần tới, mở đường nới lỏng một số biện pháp hạn chế.

Thủ hiến bang New South Wales, Gladys Berejiklian, cho biết việc tăng tốc tiêm phòng sẽ giúp bang đạt mục tiêu tiêm 6 triệu liều vào cuối tháng 8 và có thể cân nhắc nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong tháng 9 và tháng 10.

Sau khi đạt được những thành công nhất định trong công cuộc phòng chống dịch thời gian đầu, vài tháng gần đây, Australia gặp nhiều khó khăn khi ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Delta trong khi chương trình tiêm phòng chưa đạt được tốc độ cần thiết. Hiện Australia ghi nhận hơn 37.000 ca bệnh, trong đó có 941 ca tử vong.

*Trong khi đó, Ấn Độ hiện đang ghi nhận một số dấu hiệu về làn sóng dịch bệnh thứ 3 với ít nhất 10 bang, trong đó có Tamil Nadu, Karnataka và Kerala ở miền Nam, báo cáo hệ số lây nhiễm (R-value) cao hơn trong 3 tháng qua.

Hệ số lây nhiễm là một công cụ quan trọng mà các chuyên gia dịch bệnh học và các nhà hoạch định chính sách sử dụng để kiểm tra mức độ hiện diện và lây lan của dịch COVID-19. Hiện hệ số lây nhiễm trung bình tại Ấn Độ là 1,01, đồng nghĩa rằng trung bình một người bệnh sẽ truyền virus cho 1,01 người khác.

Thời điểm Ấn Độ hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ 2 đặc biệt nghiêm trọng hồi tháng 5, hệ số lây nhiễm là khoảng 1,4 và hệ số này giảm xuống 0,9 khoảng 1 tháng trước. Việc hệ số này tăng trở lại lên mức trên 1 được các chuyên gia đánh giá là dấu hiệu đáng lo ngại, phản ánh tỷ lệ lây nhiễm gia tăng.

Bang Madhya Pradesh, ở miền Trung đang có hệ số lây nhiễm cao nhất là 1,31, tiếp đến là Himachal Pradesh (1,3) và bang Nagaland ở Đông Bắc với hệ số 1,09. Khi hệ số lây nhiễm là 1,3 thì 10 người sẽ lây cho 13 người khác và những người này tiếp tục lây thêm cho 16 hoặc 17 người khác sau đó.

Theo Tiến sĩ Samiran Panda, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu tại Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR), cơ quan dẫn đầu các nỗ lực ứng phó dịch bệnh trên cả nước, việc hệ số lây nhiễm tăng có thể là những dấu hiệu cảnh báo sớm về một làn sóng dịch bệnh thứ 3. Tuy nhiên, giới chức sẽ chỉ xác nhận làn sóng dịch bệnh thứ 3 khi số ca mắc mới tăng không ngừng.

Trước đó, trong làn sóng thứ 2, Ấn Độ cũng ghi nhận tới 80% số ca mắc mới tập trung tại 10 bang, trong đó có bang Maharashtra và Delhi. Hiện trong số các bang ghi nhận hệ số lây nhiễm gia tăng có cả những bang từng có ít số ca mắc và tử vong hơn trong làn sóng thứ 2 như Kerala, Tamil Nadu, Karnataka và Jammu…

Các chuyên gia cho rằng tình trạng gia tăng lây nhiễm là do Ấn Độ hiện áp dụng ít biện pháp hạn chế di chuyển hơn, người dân chưa tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang và biến thể Delta dễ lây lan hơn.

Đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 32 triệu ca mắc, trong đó có hơn 429.000 ca tử vong, nằm trong nhóm 3 quốc gia chịu tác động mạnh nhất của đại dịch COVID-19./. 

>>Australia cấp phép tạm thời với vaccine ngừa COVID-19 của Moderna

 

              

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục