Australia: Mở cửa trở lại thành phố Sydney sau gần 4 tháng phong tỏa

13:08' - 11/10/2021
BNEWS Ngày 11/10, bang New South Wales của Australia, chính thức dỡ bỏ tình trạng phong tỏa, đánh dấu bước tiến quan trọng cho lộ trình “bình thường mới” của nền kinh tế lớn nhất “xứ Chuột túi”.

Người dân hồ hởi chào đón ngày “mở cửa”

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, bang New South Wales chào đón ngày thứ Hai đầu tuần với cơn mưa kéo dài từ đêm hôm trước. Bất chấp sự ảm đạm của thời tiết, một bầu không khí phấn khởi vẫn ngập tràn trên các con phố sầm uất, các trung tâm thương mại

và đường phố.

Bên ngoài các cửa tiệm làm tóc, phòng tập, các quán cà phê, nhà hàng, người dân thành phố Sydney, thủ phủ của bang New South Wales, đã xếp hàng dài từ đầu giờ sáng. Chủ một cửa tiệm làm tóc tại khu phố Paddington, ông Allan Bukhi, cho biết, cửa hàng của ông bắt đầu mở cửa trở lại từ 0 giờ ngày 11/10, sau hơn 106 ngày dừng kinh doanh theo lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19.

Ông Bukhi nói chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại đặt trước. Việc mở cửa hàng vào lúc nửa đêm thật sự “điên rồ”, nhưng đáng ngạc nhiên là rất nhiều khách hàng mong muốn như vậy. Dự kiến, cửa hàng của ông Bukhi sẽ làm việc liên tục tới 9 giờ tối nay, với hy vọng đáp ứng được nhiều nhất có thể nhu cầu của khách hàng, những người đã phải chờ đợi quá lâu để được phục vụ.

Tại nhà hàng Maisys ở khu vực Vịnh Neutral của thành phố Sydney, âm nhạc vang lên ngay khi đồng hồ điểm 0 giờ ngày 11/10. Đây là một trong những nhà hàng hiếm hoi mở cửa sau 12 giờ đêm tại thành phố Sydney. Quản lý của nhà hàng, bà Holly Shepherd, cho biết có nhiều khách hàng liên hệ muốn đặt bàn, ngay khi quán có thể mở cửa trở lại sớm nhất.

Một trong những thực khách đầu tiên của nhà hàng, ông Ron Gensle, đã tổ chức tiệc cùng gia đình, đánh dấu cuộc gặp mặt lần đầu, kể từ khi ông trở về Australia vào tháng trước, sau hơn một năm bị mắc kẹt ở nước ngoài do đại dịch. Ông nói thật may mắn cuối cùng chúng tôi cũng đã có thể ngồi quây quần bên nhau, cùng ăn mừng ngày đoàn tụ.

Mục tiêu mới: Sống chung với đại dịch

Australia là một trong những quốc gia hiếm hoi theo đuổi chiến lược “không COVID” trong suốt năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Chiến lược này đã giúp Australia đạt được nhiều thành công về mặt kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, do những biến chuyển bất ngờ của dịch COVID-19, việc tiếp tục theo đuổi chiến lược “không COVID” đã không còn là giải pháp phù hợp cho Australia.

Nhận thức được vấn đề này, từ cuối tháng 7/2021, Chính phủ Australia đã ban hành một kế hoạch lộ trình 4 giai đoạn mới, đặt mục tiêu sống chung với đại dịch. Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố Australia sẽ mở cửa, với điều kiện tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải đạt từ 70-80% dân số trên 16 tuổi.

Định hướng của kế hoạch này là từng bước dỡ bỏ các lệnh hạn chế tại địa phương, trên tất cả các bang và cuối cùng là mở cửa trở lại biên giới quốc tế.

Bang New South Wales đạt cột mốc 70% dân số trên 16 tuổi tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 7/10. Đây là cơ sở để tân Thủ hiến bang Dominic Perrottet đồng ý nới lỏng các lệnh giãn cách và phong tỏa nghiêm ngặt của địa phương.

Phát biểu trước ngày bang New South Wales chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Thủ hiến Perrottet cho biết ông mong muốn mở lại biên giới quốc tế "càng nhanh và càng an toàn" càng tốt. Ông Perrottet cam kết sẽ không để người dân ở bang phải quay lại tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, như những gì đã trải qua trong hơn 15 tuần vừa qua.

Thủ tướng Morrison đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của chính quyền bang New South Wales và khuyến khích các bang còn lại như Victoria, Queensland, thủ đô Canberra… cần nhanh chóng tiến tới các động thái tích cực như New South Wales, ngay khi đạt mục tiêu tiêm chủng 70% ở địa phương.

Tiến trình bình thường mới

Để chuẩn bị cho tiến trình bình thường trở lại, sau đại dịch, Chính phủ Australia, chính quyền các tiểu bang và các doanh nghiệp đã sẵn sàng triển khai nhiều kế hoạch mới, nhằm đối phó tốt nhất với virus SAR-CoV-2.

Ngoài các biện pháp đã được áp dụng như yêu cầu người dân khai báo thông tin bằng mã QR khi tới bất kỳ địa điểm công cộng nào, đảm bảo giãn cách theo quy định, đeo khẩu trang bắt buộc tại các khu vực trong nhà và trên các phương tiện giao thông công cộng… sắp tới “hộ chiếu vaccine” sẽ được áp dụng trên khắp Australia, các bộ xét nghiệm nhanh sẽ được bán rộng rãi ở các hiệu thuốc, để người dân có thể mua và tự kiểm tra, thay vì phải đến các cơ sở y tế bắt buộc.

Đối với các cơ quan, lĩnh vực hoạt động thuộc tuyến đầu như lực lượng làm việc tại các cơ sở y tế, chăm sóc người già; nhân viên làm việc tại cảng hàng không, biên giới; lực lượng chống dịch; giáo viên…sẽ buộc phải tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19. Đây cũng là điều kiện tiên quyết mà một số doanh nghiệp lớn của Australia đã công bố đối với nhân viên của công ty, trong đó có thể kể tới các hãng hàng không Qantas và Virgin, mạng viễn thông Telstra, cảnh sát New South Wales….

Nguy cơ tiềm ẩn

Việc nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế quốc gia là một yêu cầu hàng đầu của Australia, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quốc gia, trong quý III/2021 có khả năng sẽ chứng kiến một con số âm đáng kể, đẩy “xứ Chuột túi” vào nguy cơ đối mặt với một "cuộc suy thoái kỹ thuật kép" (kinh tế tăng trưởng âm hai quý liên tiếp).

Tuy nhiên, động thái dỡ bỏ phong tỏa khi dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lây lan ở hai bang lớn nhất của Australia là New South Wales và Victoria (bang Victoria ghi nhận trung bình hơn 1.500 ca nhiễm mới mỗi ngày và bang New South Wales có khoảng từ 500 - 700 ca nhiễm mới mỗi ngày trong vòng một tuần gần đây), sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với hệ thống y tế quốc gia. Một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo việc nới lỏng quá nhanh các lệnh hạn chế có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải và đe dọa tính mạng người dân.

Ngày 7/10, Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) cảnh báo mở cửa “quá sớm hoặc quá nhanh” sẽ dẫn đến các ca tử vong đáng lẽ có thể tránh và đẩy các thành phố vào nguy cơ có thể bị phong tỏa trở lại. Chủ tịch AMA Omar Khorshid thậm chí khuyến cáo bang New South Wales "không nên hấp tấp trong thời điểm quan trọng này".

Giáo sư Catherine Bennett, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học tại Đại học Deakin (bang Victoria) cho rằng xét nghiệm, truy vết và cách ly vẫn phải là các phương án quan trọng khi Australia chuyển sang giai đoạn chung sống với dịch bệnh.

Bà nhận định, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác, với tỷ lệ tiêm chủng cao, việc dỡ bỏ lệnh hạn chế và mở cửa biên giới sẽ khiến đất nước duy trì mức độ lây nhiễm nhất định và rất khó khăn nếu muốn giảm số ca nhiễm mới.

Do đó, thay vì đặt mục tiêu về số ca nhiễm, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang nên tập trung vào quản lý số ca nhiễm virus SAR-CoV-2 tại bệnh viện. Giáo sư Bennett lưu ý các nhà chức trách y tế Australia nên xem xét ban hành hướng dẫn về số ca mắc COVID-19 tại bệnh viện nói chung và các phòng điều trị tích cực (ICU) nói riêng./.

>>Australia: Ba thiếu niên sáng lập và vận hành trang số liệu dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục