Australia phạt Fitbit 7,25 triệu USD vì thông tin sai

20:16' - 12/12/2023
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phán quyết được đưa ra sau khi Fitbit thừa nhận đã tuyên bố sai sự thật, gây hiểu lầm đối với 58 khách hàng Australia trong khoảng thời gian từ năm 2020-2022.

Theo tuyên bố của Tòa án liên bang Australia ngày 12/12, công ty chuyên sản xuất thiết bị đeo theo dõi sức khỏe Fitbit của “gã khổng lồ” công nghệ Google sẽ phải chịu mức phạt 11 triệu AUD (7,25 triệu USD) vì thông tin sai sự thật, khiến khách hàng hiểu lầm về chế độ đổi trả và bảo hành sản phẩm.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phán quyết được đưa ra sau khi Fitbit thừa nhận đã tuyên bố sai sự thật, gây hiểu lầm đối với 58 khách hàng Australia trong khoảng thời gian từ năm 2020-2022.

Theo đó, các nhân viên của hãng đã thông báo với 18 khách hàng rằng họ không thể được hoàn tiền nếu không trả lại sản phẩm bị lỗi trong vòng 45 ngày kể từ ngày mua.

Trong một số trường hợp khác, nhân viên của Fitbit cũng từ chối hoàn tiền cho 40 khách hàng do sản phẩm đã quá hạn bảo hành 2 năm, dù các khách hàng trước đó đã liên hệ để đề nghị thay sản phẩm lỗi.

Quyền Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng của Australia (ACCC), bà Catriona Lowe cho rằng tất cả các sản phẩm bán ra ở Australia phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng và phù hợp với mục đích sử dụng; các nhà phân phối sản phẩm phải có nghĩa vụ sửa chữa, thay thế hoặc hoàn tiền nếu các sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Bà Lowe nhấn mạnh án phạt trên như một lời nhắc nhở đối với Fitbit và các doanh nghiệp khác rằng họ phải luôn tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng và không gây hiểu lầm đối với người tiêu dùng về quyền lợi của họ.

Theo bà Lowe, người tiêu dùng có thể phải chịu thêm chi phí và sự bất tiện do phải trả tiền sửa chữa hoặc thay thế sản phẩm vì tiếp nhận thông tin sai lệch và gây hiểu nhầm từ hãng.

ACCC bắt đầu vụ kiện chống lại Fitbit kể từ tháng 10/2022 với cáo buộc công ty công nghệ Mỹ gây hiểu lầm về quyền lợi của khách hàng căn cứ theo luật tiêu dùng Australia.

Đây là lần thứ 2 Fitbit bị cáo buộc “lừa dối” khách hàng sau khi hãng này vi phạm về các tuyên bố bảo hành cho các sản phẩm bị lỗi vào năm 2018. Vụ việc này từng khiến Fitbit phải gia hạn bảo hành sản phẩm lên đến 2 năm theo luật tiêu dùng Australia so với thời hạn 1 năm ban đầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục