Australia tái khẳng định cam kết đối với than đá (Phần 2)

05:30' - 21/12/2018
BNEWS Tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) ở Ba Lan, hai báo cáo mới nhất cho thấy Australia đã bị tụt hậu trên toàn thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Lòng hồ chứa nước Ông Kinh ở huyện Ninh Hải khô trơ đáy, nứt nẻ. Ảnh: Công Thử - TTXVN 

Diễn đàn Khí hậu dễ bị tổn thương, bao gồm một nhóm 48 quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đã cam kết đạt 100% năng lượng tái tạo muộn nhất vào giữa thế kỷ này. Một số quốc gia phát triển khác, bao gồm Anh, Pháp, Canada và New Zealand cũng đưa ra cam kết loại bỏ năng lượng than đá vào năm 2030.

Trong khi đó, tiền đề của cuộc hội thảo "Nhiêu liệu hóa thạch có thể tạo ra sự “sạch sẽ” thông qua đổi mới sáng tạo" mà Chính phủ Mỹ tổ chức – hoàn toàn đối nghịch với kiến nghị của các nhà khoa học về môi trường, những người đã đưa ra luận điểm rằng các quốc gia nên chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo mới càng nhanh càng tốt hoặc sẽ phải đối diện với nguy cơ nhiệt độ trái đất sẽ nóng lên nữa vào cuối thế kỷ này.

Cũng tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) ở Ba Lan, hai báo cáo mới nhất cho thấy Australia đã bị tụt hậu trên toàn thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Chỉ số Hiệu suất biến đổi khí hậu, do Mạng lưới Hành động vì khí hậu, đã xếp Australia đứng thứ 55 trên 60 quốc gia về các hành động đối phó với biến đổi khí hậu. Chỉ số này xếp hạng các quốc gia dựa trên chính sách khí hậu, năng lượng sử dụng và lượng khí thải nhà kính.

Trong khi đó, Thụy Điển và Morocco là hai quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng. Ấn Độ xếp thứ 11 và Trung Quốc đứng ở vị trí 33. Cả hai quốc gia này đều cải thiện đáng kể thứ hạng của mình, nhờ việc tăng sử dụng năng lượng tái tạo. Mỹ và Saudi Arabia lần lượt xếp thứ 59 và 60 trong danh sách.

“Australia xếp cuối nếu xét về hiệu suất chính sách khí hậu”, Richie Merzian, Giám đốc chương trình khí hậu và năng lượng tại Viện nghiên cứu Australia, cho biết: “Sau 4 năm tăng khí phát thải và sự thiếu vắng các chính sách khí hậu, đây hoàn toàn không phải điều ngạc nhiên”.

Theo ông Merzian, Chính phủ Australia đã mở cửa và công khai bảo vệ ngành công nghiệp than đá, bất chấp sự phản đối từ giới khoa học cho rằng quá trình loại trừ khí carbon cần thực hiện trên toàn thế giới.

Tổ chức hành động vì môi trường Climate Action Tracker đã câp nhật đánh giá về nỗ lực của Australia, cho rằng chính sách khí hậu của nước này thậm chí còn kém hơn các năm trước. Australia chỉ tập trung vào việc mở rộng ngành công nghiệp than đá và bỏ qua các nỗ lực giảm lượng phát thải.

Đánh giá nêu rõ: “Chính phủ Australia đã quay lưng lại với các hành động vì khí hậu toàn cầu bằng cách bác bỏ những nội dung mà báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, liên quan tới sự nóng lên của Trái đất, vượt ngưỡng 1,5 độ C. Australia cũng tuyên bố không cấp vốn hỗ trợ cho quỹ Khí hậu Xanh”.

Tại Australia, khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp đang tăng khoảng 2%/năm kể từ năm 2014. Báo cáo cũng cho thấy Australia khó có khả năng đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo viết: “Trong khi chính phủ Liên bang Australia tiếp tục nhắc lại tuyên bố Australia đang theo đúng lộ trình đạt được mục tiêu năm 2030 bằng sự đổi mới công nghệ thì Tổ chức Climate Action Tracker hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ cơ sở khoa học nào được công bố bởi các nhà nghiên cứu hay cơ quan chính phủ Australia liên quan tới lộ trình này”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục