Australia tiếp tục khai thác than đá đáp ứng nhu cầu thị trường

06:40' - 11/09/2021
BNEWS Australia sẽ tiếp tục hoạt động khai thác than đá để phục vụ xuất khẩu đáp ứng nhu cầu đang tăng lên trên thế giới.

Australia sẽ tiếp tục hoạt động khai thác than đá để phục vụ xuất khẩu đáp ứng nhu cầu đang tăng lên trên thế giới dù giới khoa học cảnh báo nguồn dự trữ than đá phải được bảo toàn dưới lòng đất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature tuần này, các nhà nghiên cứu cảnh báo 89% lượng than đá dự trữ trên toàn cầu và 95% lượng dự trữ ở Australia phải được bảo vệ dưới lòng đất.

Họ cho rằng việc ngừng khai thác này sẽ mang lại 50% cơ hội đạt mục tiêu toàn cầu là giới hạn mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng Scott Morrison cho biết xuất khẩu năng lượng của Australia đóng vai trò thiết yếu đối với các nền kinh tế đang phát triển và dự báo sự phát triển của công nghệ sẽ giúp đốt nhiên liệu “theo cách thân thiện hơn với môi trường rất nhiều” trong tương lai.

Phát biểu tại họp báo khi được hỏi về một “thời gian gia hạn” cho ngành khai mỏ ở nước này, ông cho biết sẽ duy trì hoạt động khai thác ở mức phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới, đồng thời dự báo rằng theo thời gian, nhu cầu thế giới về loại “vàng đen” này sẽ thay đổi.
Bộ trưởng Tài nguyên Australia, ông Keith Pitt, cho biết than đá vẫn là nguồn xuất khẩu lớn thứ hai của nước này sau sắt quặng.

Xuất khẩu than đá đem lại cho ngân khố 50 tỷ dollar Australia (37 tỷ USD) mỗi năm và ngành này tạo ra 50.000 việc làm trực tiếp.

Trong một tuyên bố, ông Pitt cho biết: “Thực tế là nhu cầu toàn cầu đối với than đá của Australia ngày càng tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất một thập kỷ nữa”.

Theo kế hoạch, các nhà đàm phán từ 196 quốc gia trên thế giới sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại thành phố Glasgow của Scotland (Vương quốc Anh) tháng 11 tới. Đây là hội nghị khí hậu lớn nhất kể từ sau các cuộc đàm phán lịch sử tại Paris (Pháp) năm 2015.

Hội nghị dự kiến kéo dài 12 ngày này được xem là bước đi quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu giảm lượng khí phát thải nhằm làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu.

Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo các hình thái thời tiết cực đoan và cháy rừng nghiêm trọng sẽ ngày càng phổ biến hơn do Trái Đất nóng lên mà con người là tác nhân chính.

Trong khi đó, sự thụ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế Australia thiệt hại hàng tỷ USD vì nước này sẽ phải hứng chịu nhiều trận cháy rừng, bão và lũ lụt nghiêm trọng hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục