Australia với bài toán quản lý AI

07:00' - 25/11/2023
BNEWS Trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của con người. Nó có sức mạnh cải thiện cuộc sống, song cũng có thể gây hại.

Nó tác động đến cách con người làm việc, mua sắm, thậm chí còn cách mạng hóa việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, các quốc gia cũng đang phải vật lộn với cách quản lý và tài trợ cho nghiên cứu AI để ngăn chặn việc công nghệ này bị lạm dụng. Nhiệm vụ đó hiện khá khó khăn đối với Australia, bằng chứng là một báo cáo mới đây cho thấy Australia đang tụt hậu trong lĩnh vực tài trợ và nghiên cứu về công nghệ AI.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, bà Nazia Ahmed - người sáng lập và là Giám đốc của công ty tư vấn Social Outcomes Lab - đang nỗ lực khai thác AI một cách hiệu quả nhất khi tìm cách giúp các trẻ vị thành niên làm lại cuộc đời sau khi rời khỏi các trại giam. Bà nhận thấy giáo dục chính là chìa khóa để thu hút những người trẻ tuổi có hoàn cảnh khó khăn và AI có thể giúp làm được điều đó.

Theo bà Nazia Ahmed, những trẻ em bị chấn thương tâm lý hoặc có khả năng đọc viết yếu kém thường sẽ lo lắng khi cố gắng học mọi thứ. Trong trường hợp này, AI có thể được sử dụng để giúp các em học một cách dễ dàng hơn. Bà cho rằng có thể sử dụng công nghệ này để giáo dục các em theo cách tốt hơn, giúp các em học hỏi và có nhiều khả năng thành công hơn tại nơi làm việc. Đó chỉ là một trong nhiều cách mà các tổ chức hoặc doanh nghiệp ở Australia hy vọng sử dụng AI để cải thiện hiệu quả xã hội hoặc tăng năng suất.

Bà Kylie Walker - Giám đốc điều hành của Viện Hàn lâm Khoa học và Kỹ thuật Công nghệ Australia – cho rằng giống như động cơ hơi nước về căn bản đã thay đổi cách con người sống và làm việc, AI hiện là động cơ hơi nước của thời đại ngày nay. Nó làm thay đổi cách con người sống, làm việc, vui chơi và chăm sóc sức khỏe. Theo bà Kylie Walker, thời khắc con người sử dụng và quản lý AI một cách có trách nhiệm đã đến, và chúng ta cần bảo đảm rằng mình không bỏ lỡ dịp may đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia về AI cảnh báo rằng Australia có thể bỏ lỡ cơ hội trở thành một “tay chơi toàn cầu” trong việc tạo ra AI an toàn, bảo mật và mang tính đạo đức. Một phúc trình mới có tên là "AI có trách nhiệm" cho thấy Australia đã tụt hậu trong các lĩnh vực chính sách, tài trợ, nghiên cứu và đầu tư của chính phủ trong 2 thập niên qua.

Giáo sư Simon Lucey - Giám đốc Viện Học máy Australia và là một trong 13 chuyên gia đóng góp ý kiến cho bản phúc trình – cho biết con người đang được chứng kiến những thứ như Chat GTP, những chiếc xe tự động, các loại kháng sinh mới đang được phát triển và nhiều người nhận thức được rằng cần phải quản lý, giám sát các công nghệ này, cần những phương thức để bảo đảm công nghệ đang được sử dụng theo cách phù hợp với các giá trị, đạo đức và lề lối quản trị của xã hội. Vì vậy AI có trách nhiệm thực sự là một phản ứng đối với điều đó.

Trong khi đó, có một vấn đề mới nổi và cần khắc phục là AI đã được sử dụng để tạo ra và truyền bá thông tin sai lệch. Giáo sư Shazia Sadiq, làm việc tại Đại học Queensland (Australia), cho biết AI đã đưa vấn đề lên một cấp độ khác. Đặc biệt là khi xem xét chất lượng của văn bản mà AI tạo ra, nó giống như sự xâm nhập vào cơ sở tri thức của con người và rất khó để phân biệt xem nó được tạo ra bởi con người hay bot (một ứng dụng phần mềm tự động). Chính vì vậy, đây là một vấn đề lớn.

Trong bản ngân sách năm 2023, Chính phủ Australia đã công bố dành khoảng 100 triệu AUD (khoảng 65.561 USD) để giúp các doanh nghiệp tích hợp các công nghệ như công nghệ AI vào hoạt động của họ. Tuy nhiên, số tiền nói trên của Australia là khá ít so với của các quốc gia khác như Mỹ. Các cơ quan chính phủ phi quốc phòng ở Mỹ chi khoảng 1,7 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển AI trong năm tài chính 2022.

Các chuyên gia như Giáo sư Simon Lucey hoan nghênh việc chính phủ tăng ngân sách cho AI, chẳng hạn như khoản đầu tư 5 tỷ AUD của gã khổng lồ Microsoft vào Australia trong 2 năm tới, song ông muốn chính phủ dành nhiều tiền hơn nữa để đầu tư cho AI. Ông cho rằng rất nhiều công việc tri thức vẫn chưa được thực hiện ở Australia nhiều như mong muốn.

Trong khi đó, bà Kylie Walker cho biết Australia cần tìm thêm 100.000 nhân viên có kỹ năng kỹ thuật số trong năm tới để bắt kịp với sự thay đổi bởi có tới 25- 46% công việc hiện tại có thể được tự động hóa vào năm 2030. Đó là cơ hội và cũng là thách thức đối với Australia. Hiện tại, có khoảng 7.000 sinh viên đang rời trường đại học với những kỹ năng phù hợp để đảm nhận những công việc kỹ thuật số này. Vì vậy, theo bà Kylie Walker, để có được từ 7.000-100.000 sinh viên sẽ cần sự phối hợp đầu tư của quốc gia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục