Ba công nghệ đột phá để truy xuất nguồn gốc thực phẩm

12:13' - 03/12/2024
BNEWS Blockchain tạo ra luồng dữ liệu độc lập và có thể kiểm toán dọc theo chuỗi giá trị, qua đó đảm bảo tính xác thực.
Bài viết trên tờ Nation Thailand ngày 2/12 của Tiến sỹ Teerapon Tanomsakyut, Tổng Giám đốc điều hành Phát triển bền vững và Chiến lược thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand (Thái Lan), đề cập đến các giải pháp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

 

Tác giả dẫn lời ông Benjamin Dubois, chuyên gia phát triển bền vững của Nestlé tại Diễn đàn TechHQ năm 2020, cho rằng chuỗi khối (blockchain) là một giải pháp phi tập trung. Blockchain tạo ra luồng dữ liệu độc lập và có thể kiểm toán dọc theo chuỗi giá trị, qua đó đảm bảo tính xác thực.

Ông Dubois đã mô tả việc Nestlé áp dụng blockchain để lưu trữ và hiển thị dữ liệu sản xuất cũng như nguồn cung ứng. Ông giải thích cách công nghệ mới này – kết hợp với việc sử dụng vệ tinh theo dõi tọa độ nông nghiệp – mang lại sự minh bạch và đáng tin cậy hơn cho ngành nông nghiệp bằng cách công khai các chi tiết chính của quy trình sản xuất; từ nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng, từ trang trại đến bàn ăn.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Walmart, Nike, Unilever và Starbucks cũng áp dụng công nghệ tương tự. Đây là một cách tiếp cận đã trở thành tiêu chuẩn kinh doanh mới ở nhiều nơi trên thế giới, phù hợp với việc đưa ra các quy định quốc tế thúc đẩy tính bền vững, yêu cầu tăng cường giám sát đối với các phương thức sản xuất.

Ông Dubois nhấn mạnh hai yếu tố then chốt để sử dụng công nghệ này một cách hiệu quả, bao gồm thẩm định nguồn cung ứng đạo đức, bền vững và công khai toàn bộ dữ liệu cho mọi bên liên quan (cơ quan quản lý, thương nhân, người tiêu dùng).

Đây là hai nguyên tắc nền tảng của hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp và công nghiệp, theo dõi toàn bộ hành trình của sản phẩm từ khâu trồng trọt đến tiêu dùng. Mỗi bước của quy trình đều được ghi lại dưới dạng dữ liệu có thể truy xuất nguồn gốc, mang lại mức độ chính xác và toàn vẹn chưa từng có, đồng thời đảm bảo với người tiêu dùng rằng không có mặt hàng nào đến tay họ là sản phẩm xuất phát  từ các hoạt động canh tác gây hại cho môi trường.

Để tối ưu hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, khu vực tư nhân cần ba cải tiến công nghệ. Đầu tiên là công nghệ chuỗi khối. Công nghệ này là một hệ thống cơ sở dữ liệu minh bạch, bất biến, cho phép ghi lại dữ liệu minh bạch mà tất cả các bên liên quan đều có thể truy cập.

Thứ hai là công nghệ vệ tinh. Công nghệ vệ tinh giúp theo dõi vị trí của sản phẩm hoặc nguyên liệu thô trong chuỗi sản xuất theo thời gian thực thông qua GPS (Hệ thống định vị toàn cầu) và GNSS (Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu). Ví dụ, nó có thể chỉ định liệu cây trồng có được trồng ở những khu vực bị cháy rừng (vết cháy) hay những vùng núi được bảo vệ hay không.

Cuối cùng là trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ máy học (Machine learning). Trí tuệ nhân tạo có thể phân tích dữ liệu do các hệ thống truy xuất nguồn gốc cung cấp và, ví dụ, giúp dự đoán các vấn đề tiềm ẩn hoặc học hỏi từ các quy trình để cải thiện chuỗi giá trị. Công nghệ máy học có thể giúp phát hiện lỗi hoặc bất thường trong quá trình sản xuất hoặc vận chuyển mà con người có thể đã bỏ qua.

Ba hình thức công nghệ này cho phép dữ liệu được lưu trữ và giám sát toàn diện và nhanh chóng, do đó tạo ra một “dấu vết” kiểm toán rõ ràng. Tác giả tin rằng dữ liệu tốt nên bao gồm cả dữ liệu chính (thu thập trong công ty) và dữ liệu thứ cấp (thu thập từ các đối tác) để đảm bảo tính đầy đủ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục