Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

16:40' - 26/08/2015
BNEWS Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai mạnh mẽ các biện pháp thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ngày 26/8, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức hội thảo "Giải pháp thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ" với sự tham dự của các sở, ban, ngành liên quan, các trường đào tạo nghề, các chuyên gia trong ngành công nghiệp hỗ trợ…

Ảnh minh họa (www.baria-vungtau.gov.vn)

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhận thức sâu sắc về vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tỉnh đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ để thực hiện mục tiêu xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện trạng ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ bé và hầu như chưa phát triển. Số lượng doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh còn ít, lực lượng doanh nghiệp dân doanh yếu. Doanh nghiệp FDI hầu hết có quy mô lớn, chưa thu hút được doanh nghiệp FDI nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp sản xuất lắp ráp còn yếu kém, thiếu sự phối hợp liên kết giữa nhà lắp ráp với nhà sản xuất hỗ trợ, giữa các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ với nhau, giữa doanh nghiệp FDI và nội địa.

Song song đó là việc thiếu nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chưa đủ mạnh, trong khi nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kỹ thuật.

Tiến độ triển khai đầu tư của khu công nghiệp Phú Mỹ III và khu công nghiệp Đá Bạc chưa đảm bảo đúng như cam kết cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình kêu gọi nhà đầu tư.

Đại diện Sở Công Thương đã đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ như xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; xây dựng chính sách khuyến khích các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam kêu gọi các công ty cung ứng, công ty vệ tinh đầu tư sản xuất tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tỉnh cũng chú trọng đổi mới phương thức thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường liên kết hợp tác và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển cũng là giải pháp nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ được đưa ra tại hội thảo.

Tiến sỹ Lê Ngọc Trân, Khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu đã phân tích sâu các nguyên nhân dẫn đến thất bại của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam như: quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài; chưa xác định rõ các sản phẩm chiến lược.

Cùng với đó là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hoạt động riêng rẽ, không tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thiếu các chính sách và vốn để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, nguồn nhân lực chất lượng còn thiếu cũng được cho là các nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Tiến sỹ Lê Ngọc Trân cũng đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Bà Rịa-Vũng Tàu là phải xác định được công nghiệp mũi nhọn phù hợp với thế mạnh của tỉnh và thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để sản xuất phụ kiện cho ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải nằm tập trung tại các khu công nghiệp chuyên sâu và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các linh kiện cho ngành công nghiệp mũi nhọn.

Bên cạnh đó, Bà Rịa-Vũng Tàu cần thành lập khu nghiên cứu công nghệ cao liên kết với các trường đại học địa phương hoặc các viện với vai trò hỗ trợ đầu vào (đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ) và hỗ trợ đầu ra (tìm thị trường trong và ngoài nước).

Ngoài ra, cần thành lập các Ban quản lý để truyền tải các chính sách của Nhà nước và tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ kịp thời, tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng…./.

Hoàng Nhị

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục