Bắc Giang đặt mục tiêu tăng trưởng vốn tín dụng chính sách từ 7-10%

10:01' - 04/01/2023
BNEWS Năm 2023 tỉnh Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng tín dụng chính sách xã hội đạt 7%-10% và nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn vốn trong bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp ở tỉnh bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn ngày càng phát triển, ổn định để giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn kịp thời, sử dụng vốn vay.

 

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát nhu cầu vốn; giải ngân cho vay kịp thời, không để tồn đọng, lãng phí vốn. Thực hiện điều hành linh hoạt kế hoạch tín dụng giữa các đơn vị cấp huyện phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức nhận ủy thác tuyên truyền huy động vốn qua tổ chức, cá nhân, huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã và qua tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang duy trì, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát tốt nợ đến hạn, nợ quá hạn; thực hiện tốt hoạt động tại điểm giao dịch xã để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng thuận tiện. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị nhận ủy thác có biện pháp đôn đốc, xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ đi khỏi nơi cư trú, thu hồi lãi tồn đọng.

Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Giang tăng cường kiểm tra giám sát từ xa, kiểm tra kiểm soát nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, chỉnh sửa các sai sót, tồn tại nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn.

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đảm bảo kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, đúng đối tượng, đúng quy định. Ngoài ra, Bắc Giang quan tâm xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn…

Trong tổng số 21 chương trình tín dụng chính sách xã hội đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hiện nay có 2 chương trình đã thu hồi hết nợ, 6 chương trình đã hết hạn giải ngân, đang trong quá trình thu hồi và 13 chương trình đang thực hiện.

Tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Giang đến cuối năm 2022 đạt trên 5.827 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2021, với trên 107.000 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân đạt 54 triệu đồng/khách hàng (tăng 7 triệu đồng/khách hàng so với năm 2021).

Dư nợ tín dụng chính sách xã hội ở Bắc Giang tập trung chủ yếu ở một số chương trình như: Cho vay hộ nghèo trên 987 tỷ đồng, hộ cận nghèo trên 1.058 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo trên 987 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 847 tỷ đồng, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 720 tỷ đồng, giải quyết việc làm 647 tỷ đồng, nhà ở xã hội trên 322 tỷ đồng…

Dư nợ tín dụng tại các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở tỉnh là 3.464 tỷ đồng, chiếm 59,4% tổng dư nợ, với 83.201 khách hàng đang có dư nợ.

Dư nợ tín dụng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh là 2.414 tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng dư nợ, với 49.783 khách hàng đang có dư nợ.

Năm 2022, nguồn vốn chính sách đã giúp trên 35.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tỉnh Bắc Giang vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nguồn vốn này còn giúp hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 6.351 lao động; xây mới và sửa chữa 19.946 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 219 căn nhà cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 367 căn nhà ở xã hội. Nguồn vốn cũng giúp cho 1.590 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập, 4.781 học sinh sinh viên có máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến...

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tỉnh Bắc Giang đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giầu, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục