Bắc Giang tạo điểm nhấn phát triển du lịch

20:12' - 01/11/2018
BNEWS Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tổng thể đánh thức tiềm năng, thu hút đầu tư vào du lịch.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch giai đoạn  2016 – 2020, tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tổng thể đánh thức tiềm năng, thu hút đầu tư vào du lịch nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

*Phát huy tiềm năng

Nằm ở khu vực chuyển tiếp từ vùng trung du miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, Bắc Giang có hệ thống giao thông thuận tiện. Địa hình có sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn, những đỉnh núi hiểm trở, thác nước, cùng những thảm động thực vật phong phú như: Khu danh thắng Tây Yên Tử với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Nước Vàng, Khe Đin, Đá Ngang; Cao nguyên Đồng Cao; Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, Hồ Khuôn Thần, Hồ Cấm Sơn, dãy núi Nham Biền…
Nền văn hóa Bắc Giang phong phú, đa dạng, có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời với hơn 2,2 nghìn di tích trải khắp toàn tỉnh, tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, Những điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích chiến thắng Xương Giang…

Du khách thưởng thức các Canh quan họ cổ tại huyện Việt Yên, Bắc Giang, “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể như quan họ với 18 làng quan họ cổ, ca trù, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nhiều làng nghề truyền thống ở Bắc Giang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay như: mây tre đan Tăng Tiến, làng bánh đa Thổ Hà (Việt Yên), gốm làng Ngòi, làng bánh đa Kế, làng bún Đa Mai (thành phố Bắc Giang)… Cùng với đó là những đặc sản tươi ngon như vải thiều Lục Ngạn, xôi trứng kiến, nham trám Hoàng Vân, chè bản Ven, gà đồi Yên Thế, sâm nam Núi Dành...
Có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên trước đây Bắc Giang chưa quan tâm khai thác, phát huy. Du lịch Bắc Giang từng là một bảng “màu tối” trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Minh Hà cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện khí hậu, truyền thống lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Bắc Giang xác định tập trung xây dựng ba sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch văn hóa - tâm linh, lịch sử  - văn hóa và sinh thái - nghỉ dưỡng. 

Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… nhằm khai thác, phát huy tiềm năng du lịch. Tỉnh, các huyện, thành phố đều xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ sát với thực tế để phát triển du lịch.

Tỉnh tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu, khảo cổ học và tập trung khôi phục lại hệ thống di tích nhà Trần gắn với Thiền phái Trúc Lâm ở phía Tây của dãy núi Yên Tử. 
Hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch như đường tỉnh 293 đi chùa Vĩnh Nghiêm -  Suối Mỡ - Tây Yên Tử, đường tỉnh 298 đi chùa Am Vãi - đền Bắc Lệ, đường vào chùa Bổ Đà, đường vành đai IV…

Một số dự án mới của Bắc Giang được hoàn thành và đưa vào khai thác để thu hút khách du lịch như Khu Di tích chiến thắng Xương Giang, Khu Du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên tử (giai đoạn 1), sân golf Yên Dũng, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.

Tỉnh Bắc Giang quan tâm, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả về số lượng và chất lượng, số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn tăng lên rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 360 cơ sở lưu trú du lịch với 4.700 buồng nghỉ, trong đó có 2 khách sạn 4 sao. 27 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động thường xuyên, trong đó có 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Với sự nỗ lực đó, du lịch Bắc Giang đã có những chuyển biến tích cực, bắt đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh, xây dựng hình ảnh.

Nhắc đến du lịch Bắc Giang hiện nay, du khách sẽ nghĩ ngay đến chùa Bổ Đà độc đáo, rêu phong, làng Thổ Hà cổ kính hay du lịch Tây Yên Tử. Lượng du khách đến Bắc Giang ngày một tăng. Năm 2016 là 525 nghìn lượt khách, năm 2017 tăng lên 1,2 triệu lượt khách và năm 2018 ước đạt 1,5 triệu lượt khách. 
* Tạo điểm nhấn thu hút du khách
Du lịch Tây Yên Tử được coi là điểm nhấn của du lịch Bắc Giang. Ai đã một lần đến với phía Tây của dãy núi Yên Tử đều không khỏi bất ngờ với tầng tầng, lớp lớp di chỉ văn hóa, lịch sử, tôn giáo nơi đây. Dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử ra đời nhằm tái hiện con đường hoằng dương phật pháp của vua Trần Nhân Tông, trên cơ sở vừa khai thác, phát huy giá trị phong phú các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh thái của vùng núi Tây Yên Tử.

Dự án khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử đã hoàn thành giai đoạn 1. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Trần Minh Hà, Dọc theo tuyến Tây Yên Tử (đường tỉnh 293) từ thành phố Bắc Giang đến khu Du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử dài gần 100km, du khách sẽ đi qua những điểm di tích, thắng cảnh hấp dẫn bên sườn Tây Yên Tử.

Đó là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm; Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) với truyền thuyết về Bà chúa Thượng ngàn Quế Mỵ Nương.

Tiếp đến là dòng suối trong vắt, màu vàng có tên suối Nước Vàng. Đặc biệt, Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử gồm 4 cụm chùa độc lập: chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy), các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1.000m, kết nối với chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ, hệ thống giao thông, cáp treo... Từ sườn tây Yên Tử, du khách có thể lên chùa Đồng Yên Tử chỉ mất hơn một giờ đồng hồ.

Được khởi công từ năm 2014, đến nay, các hạng mục chính của Dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử đã cơ bản hoàn thành, dự kiến khánh thành chùa Thượng và tuyến cáp treo vào cuối năm 2018. Tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khai hội Tây Yên Tử vào tháng Giêng năm 2018, đồng thời mở tuyến xe buýt Bắc Giang - Vĩnh Nghiêm -Tây Yên tử để phục vụ du khách.
Cùng với việc triển khai xây dựng sản phẩm du lịch Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng: Quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển du lịch chùa Bổ Đà gắn với hệ thống làng cổ, làng nghề Thổ Hà. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng di tích những điểm khởi nghĩa Yên Thế, tạo sự gắn kết du lịch với di tích An toàn khu II và Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân…
Hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho du lịch Bắc Giang, tỉnh quan tâm, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch, chú trọng tạo ra môi trường, chính sách hấp dẫn. Với các dự án đang mời gọi đầu tư như: Khu du lịch Suối Mỡ (Lục Nam), Khu du lịch Đồng Cao (Sơn Động), Khu du lịch Xuân Lương, Thác Ngà (Yên Thế), Khu du lịch sinh thái Nham Biền (Yên Dũng)…, tỉnh cam kết hỗ trợ về thủ tục pháp lý, thành lập Ban chỉ đạo, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, miễn tiền thuê đất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh khẳng định, tỉnh Bắc Giang cam kết tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, không chỉ giai đoạn đầu của dự án mà tỉnh sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai và hoạt động tại tỉnh.
Bên cạnh đó, Bắc Giang đẩy mạnh quảng bá, liên kết du lịch, liên kết vùng, xây dựng tour, tuyến du lịch. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua các chương trình tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 40.000 tỷ đồng đồng đầu tư vào phát triển lĩnh vực du lịch. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn Bắc Giang để đầu tư như: Công ty cổ phần Đầu tư châu Á  - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Nam Thăng Long… với một số dự án tiêu biểu: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái thể thao và vui chơi giải trí Khuôn Thần (Lục Ngạn), Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái thể thao và vui chơi giải trí hồ Hố Cao (Lạng Giang), Dự án khu du lịch văn hóa Làng cổ Bắc Bộ tại xã Tiên Sơn (Việt Yên)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục