Bắc Ireland đối mặt với thách thức lớn trong tiến trình Brexit

13:54' - 09/04/2018
BNEWS 20 năm sau ngày ký kết Thỏa thuận ngày Thứ Sáu Tốt lành (GFA) chấm dứt xung đột tại Bắc Ireland, thủ phủ Belfast đã và đang trải qua những thay đổi chóng mặt.

Trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây, Thị trưởng Belfast Nuala McAllister cho biết sự trở lại của hòa bình và ổn định đã tạo điều kiện để Belfast chuyển mình thành một thành phố an toàn với nhiều cơ hội cho người dân. Kể từ khi ký kết GFA năm 2008, thủ phủ Bắc Ireland đã đón các dòng đầu tư trị giá hàng trăm triệu bảng Anh. Tỷ lệ thất nghiệp ở Bắc Ireland duy trì ở mức thấp 3,2%.

Ngành du lịch của Belfast đóng góp gần 40% doanh thu du lịch của toàn khu vực Bắc Ireland và tạo ra hơn 18.000 việc làm. Belfast có những địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Bảo tàng Titanic và phim trường của bộ phim truyền hình đang ăn khách “Game of Thrones”.

Tuy nhiên, Thị trưởng Belfast cho rằng để tiếp nối những đổi thay tích cực này, giới lãnh đạo cần nỗ lực hơn nữa để đẩy lùi nguy cơ xung đột và bạo lực, hàn gắn rạn nứt giữa các cộng đồng, đặc biệt là giữa những người “Liên hiệp” (Unionist) theo đạo Tin Lành muốn Bắc Ireland duy trì tư cách là một phần của Vương quốc Anh, và những người “Quốc gia” (Nationalist) theo đạo Công giáo mong muốn sáp nhập Bắc Ireland vào Cộng hòa (CH) Ireland ở phía Nam thành một quốc gia thống nhất.

Bà McAllister cho biết thế hệ trẻ của Belfast đang ngày một quan tâm hơn đến GFA trong bối cảnh vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland đang trở thành một nội dung tranh cãi quan trọng của tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Cho dù cả Anh và EU đều đã cam kết tránh việc tái lập một đường “biên giới cứng” trên đảo Ireland nhằm bảo vệ GFA, hai bên vẫn chưa tìm ra giải pháp khả thi nào có thể đáp ứng được yêu cầu của cả hai bên đối với tuyến biên giới trên bộ dài gần 500km.

GFA còn được biết đến với tên gọi Thỏa thuận Belfast. Trước khi GFA được ký kết vào năm 1998, Belfast là tâm điểm của những hoạt động bạo lực trong giai đoạn xung đột kéo dài từ năm 1968 đến 1998 làm gần 3.500 người thiệt mạng./.

>>>Thủ tướng Anh đối mặt với sự phản đối liên quan vấn đề biên giới Ireland

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục