Ireland: Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai (Phần 1)

05:30' - 26/01/2018
BNEWS Là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ của châu Âu, tình trạng chung của nhóm PIIGS là thâm hụt ngân sách, mắc nợ quá nhiều và không còn khả năng trả mức nợ ngày càng tăng cao.

Trước đây, cứ nhắc tới Ireland là nhiều người sẽ liên tưởng tới một quốc gia chìm đắm trong nợ nần và khủng hoảng. Đây cũng chính là lý do mà hòn đảo này được xếp vào nhóm các quốc gia có tình trạng nợ công đáng lo ngại nhất châu Âu (PIIGS), bao gồm Tây Ban Nha, Ireland, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha. 

Là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ của châu Âu, tình trạng chung của nhóm PIIGS là thâm hụt ngân sách, mắc nợ quá nhiều và không còn khả năng trả mức nợ ngày càng tăng cao. 

Tuy nhiên, giờ đây, sau gần 10 năm vật lộn với những cơn ác mộng về kinh tế, các quốc gia trong nhóm PIIGS đã phần nào lấy lại được cân bằng và đang dần tiến lên phía trước. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Ireland - nền kinh tế từng được mệnh danh là “chú hổ vùng Celtic” của châu Âu.

Qua cơn bĩ cực…

Ireland từng được coi là nền kinh tế lạc hậu nhất châu Âu với tỷ lệ thất nghiệp cao và nợ công chồng chất. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ giữa thập niên 1990 dưới thời Thủ tướng Charles Haughey, khi Ireland thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách kinh tế và có bước đột phá thần tốc để bắt kịp các quốc gia láng giềng. 

GDP của Ireland tăng trưởng trung bình 6%/năm trong giai đoạn 1988-2007, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 16% trong năm 1994 xuống chỉ còn 4% vào năm 2000 (số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO). 

Từ vị trí là một trong những nước nghèo nhất châu Âu trong những năm 1980, đến năm 2008, Ireland đã “chễm chệ” nằm trong danh sách 10 quốc gia giàu có nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự “thần kỳ” này, trong đó phải kể đến mức thuế suất doanh nghiệp thấp so với các nước châu Âu khác, quy định không quá ngặt nghèo, cộng thêm một lực lượng lao động trẻ nói tiếng Anh, lành nghề. 

Đây là những yếu tố đã giúp một quốc đảo nhỏ bé như Ireland trở thành “thỏi nam châm” thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, từ đó vụt sáng thành ngôi sao và trở thành “tấm gương” về tăng trưởng kinh tế của cả châu Âu.

Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ vươn cao ngoạn mục, Ireland đã không duy trì được “vận đỏ” của mình. Năm 2008, khi đứng trước biến cố lớn là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế này đã lao dốc không phanh và kéo thị trường toàn cầu rung lắc theo.

Nguyên nhân là sau thời gian phát triển nóng, mọi chi phí ở Ireland từ sản xuất đến lao động đều tăng. Thêm vào đó, nền kinh tế từ chỗ phát triển nhờ đầu tư nước ngoài và xuất khẩu nay chuyển sang phát triển nhờ các giao dịch mua bán nhà đất và các dự án xây dựng, từ đó tạo ra những quả “bong bóng” căng phồng. 

Đến năm 2007 khi thị trường nhà đất Ireland ở mức đỉnh điểm, những khoản cho vay không kiểm soát  của các ngân hàng trong thời kỳ thị trường bùng nổ đã biến thành những khoản nợ xấu chất cao như núi. 

Hậu quả là sau khi tăng trưởng đến 300% kể từ năm 1996, giá nhà đất của Ireland đã sụt giảm thê thảm, khiến Chính phủ Ireland, vốn đã phải đối mặt với tình trạng nguồn thu từ thuế giảm do khủng hoảng tài chính, nay lại phải bỏ ra hàng chục tỷ euro để cứu các ngân hàng. 

Điều này đã đẩy Dublin vào cuộc khủng hoảng nợ công mà sau này phải nhờ tới sự cứu trợ kèm theo những điều kiện khó khăn từ Liên minh châu Âu (EU). Cũng trong thời gian này, tăng trưởng kinh tế của Ireland trong 2 năm 2008 và 2009 lần lượt ở mức tiêu cực: -1,7% và -7,1%, trong khi nợ công chiếm đến 120% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục