Bạc Liêu mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp

16:55' - 23/02/2022
BNEWS Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu được xác định là thủy sản đông lạnh 87.450 tấn; trong đó tôm đông lạnh là 84.300 tấn; muối 1.160 tấn.

Năm 2022, tỉnh Bạc Liêu tập trung hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 920 triệu USD, tăng 18,54% so với năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu được xác định là thủy sản đông lạnh 87.450 tấn; trong đó tôm đông lạnh là 84.300 tấn; muối 1.160 tấn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, để đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã được tỉnh xây dựng và triển khai. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các phương án duy trì sản xuất, kinh doanh, phù hợp với điều kiện bình thường mới; thực hiện tốt các quy định về giảm giá điện, giảm tiền điện cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19;

 

Theo dõi sát, kịp thời thông tin tới các doanh nghiệp về tình hình thông quan tại các cửa khẩu với Trung Quốc và tình hình đẩy mạnh nhập khẩu của các quốc gia khác, để các doanh nghiệp biết và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tỉnh Bạc Liêu cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm các kho chứa hàng, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; tập trung thu mua, chế biến các sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu mà tỉnh có tiềm năng như: tôm, lúa gạo, muối...

Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và các vùng nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn nhằm đảm bảo yêu cầu và chất lượng, đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy sản xuất khẩu;

Chủ động mời gọi đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao, có quy mô lớn tại các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hòa Bình và thị xã Giá Rai theo quy mô khép kín từ đầu tư cho sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu.

Để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, xuất khẩu hàng hóa, tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động dự báo thị trường, phổ biến kịp các rào cản kỹ thuật thương mại để doanh nghiệp biết.

Đặc biệt, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, trong đó có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang bị đình chỉ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do bị cảnh báo bệnh thủy sản;

Tạo điều kiện thuận lợi để công ty Cổ phần Việt - Úc sớm đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu vào tháng 6/2022 và hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Australia và các thị trường khác.

Tỉnh đề nghị Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tập đoàn Lộc Trời tạo điều kiện cho Công ty Lương thực Bạc Liêu và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lương thực Vĩnh Lộc được trực tiếp xuất khẩu gạo, mang lại kim ngạch xuất khẩu cho địa phương.

Về phía các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, trong giai đoạn thích ứng với trạng thái bình thường mới, đều có sự điều chỉnh thích hợp.

Nhiều công ty nếu như trước đây thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc thì hiện nay đã và đang chuyển hướng, mở rộng chế biến đa dạng sản phẩm, tìm kiếm đối tác xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu cùng với các quốc gia Trung đông.

Đi đầu phong trào này là các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn thị xã Giá Rai, đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất các mặt hàng giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phân khúc cao cấp của thị trường thế giới.

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, xuất khẩu của tỉnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thủy sản, mà trọng tâm là tôm đông lạnh. Hiện toàn tỉnh có 47 nhà máy chế biến thủy sản với tổng quy mô công suất thiết kế khoảng 187.420 tấn/năm; trong đó có 32 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tổng quy mô công suất thiết kế khoảng 151.970 tấn/năm.

Bạc Liêu còn có 2 nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với quy mô công suất thiết kế quy mô khoảng 370.000 tấn/năm và 2 nhà máy chế biến muối công suất thiết kế khoảng 29.500 tấn/năm.

Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, do hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn vẫn có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn chủ yếu từ tín dụng ngân hàng, và nhiều yếu tố khác tác động. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, tỉnh Bạc Liêu mong muốn không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp mà còn hướng tới một nền kinh tế đa dạng sản phẩm, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục