Bạc Liêu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa

09:29' - 19/08/2020
BNEWS Bạc Liêu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công thương nghiệp, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến cho biết, tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi tình hình và trao đổi với các công ty, doanh nghiệp để nắm bắt cụ thể nhu cầu để đảm bảo sau dịch bệnh có nguồn nguyên liệu tốt nhất cung cấp cho thị trường.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, nhất là các dự án về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và dự án Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu. Các dự án công nghiệp phục vụ cho Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Cảng biển Gành Hào... và các dự án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh.

Theo ông Lê Minh Chiến, Bạc Liêu cũng tích cực tranh thủ nguồn vốn từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn ngắn hạn về quản lý nhân sự, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người dân, nhất là khu vực nông thôn.

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp nâng cao điểm số và thứ hạng về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số DDCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI).

Bên cạnh đó, tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án, nhất là những dự án trọng điểm, dự án có kế hoạch vốn lớn để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư; điều chỉnh kế hoạch từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm.

Cụ thể là, các tuyến đường ô tô về trung tâm xã, xây dựng giao thông nông thôn bằng nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ vật tư và nhân dân cùng làm đường Hộ Phòng – Gành Hào, đường Giá Rai – Gành Hào (giai đoạn 2); khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào những tháng cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Mặt khác, tỉnh thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh găm hàng, tăng giá trong tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ.

Đơn cử như việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, triển khai kịp thời gói hỗ trợ tín dụng theo Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, suất cho vay theo đúng chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thống kê cho thấy, trong 7 tháng, phát triển sản xuất công nghiệp tại Bạc Liêu tăng 4,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 369,95 triệu USD, bằng 46,24% kế hoạch, giảm 0,46% so với cùng kỳ (chủ yếu là các mặt hàng thủy sản) do các nước nhập khẩu vẫn còn kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu, các cửa khẩu giáp với Trung Quốc còn nghiêm ngặt, làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của tỉnh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh vẫn duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây để tiếp tục xuất khẩu như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Đông và tiếp tục mở rộng thêm các thị trường mới ở các nước châu Á.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi từ đầu tháng 8 giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục