Bắc Ninh hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam

16:56' - 18/12/2023
BNEWS Bắc Ninh dự kiến ưu tiên bố trí các nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án lớn, quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, Bắc Ninh sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam.

* Phát triển các ngành sản xuất thiết bị bán dẫn

Nhiệm vụ trọng tâm của Bắc Ninh trong thời gian tới là tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

Theo đó, Bắc Ninh sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao sản xuất thiết bị bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghiệp dược phẩm, y tế, thiết bị năng lượng tái tạo... nhằm nâng cao vị thế ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong lĩnh vực bán dẫn, về hạ tầng khu công nghiệp, Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất Miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.

“Chúng tôi xác định đây là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài”, ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Cùng với đó, xây dựng Bắc Ninh trở thành trung tâm mua sắm, thương mại và tiêu dùng của vùng Thủ đô; thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững tạo không gian sống lý tưởng để thu hút nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng, bền vững; tập trung vào các ngành dịch vụ giá trị cao, có tiềm năng, lợi thế như: dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics, tài chính và các dịch vụ hỗ trợ khác.

* Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc...

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8% - 9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4,0%.

GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 25 khu công nghiệp; trong đó, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp đa chức năng đồng bộ, chất lượng cao; khuyến khích xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ; nghiên cứu chuyển đổi 1 - 2 khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Không gian phát triển công nghiệp gồm 4 vùng: Thung lũng công nghệ điện tử - huyện Yên Phong; hành lang công nghiệp - thị xã Quế Võ; khu công nghiệp mới - thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao - huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.

Cùng với đó, tỉnh cũng hình thành 30 cụm công nghiệp, phân bố và sắp xếp không gian phát triển các cụm công nghiệp một cách hợp lý trên cơ sở bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác.

Đặc biệt, tỉnh sẽ quy hoạch 01 cảng hàng không (tiềm năng), dự kiến quy mô khoảng 245 ha tại huyện Gia Bình. Bên cạnh đó, cũng quy hoạch 04 cảng cạn, nghiên cứu phát triển bổ sung một số cảng cạn tại các khu công nghiệp có quy mô lớn, kết nối thuận lợi với đường bộ, đường thủy nội địa, có thể tích hợp với các trung tâm Logistics; bố trí ga tàu điện ngầm tại các khu vực trung tâm đô thị Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh, thị trấn Lim, thành phố Từ Sơn, phường Nam Sơn) và đô thị Hồ.

Ngoài ra, sẽ nghiên cứu kết hợp phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ; phát triển các hạ tầng hầm đường bộ, bãi đỗ xe ngầm; xây dựng 3 trung tâm logistics mới tại thành phố Bắc Ninh, huyện Yên Phong và thị xã Quế Võ; xây dựng mới 01 trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh, 15 trung tâm thương mại; 31 chợ...

*  Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án lớn

 

Để thực hiện quy hoạch, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ông Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh dự kiến ưu tiên bố trí các nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án lớn, quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng cao, phát triển những lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp, đô thị, dịch vụ...

Cùng với đó, tỉnh cũng nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để trở thành thành phố trực thuộc trung ương; trong đó có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đã được lập trong bối cảnh có những thuận lợi như có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông và một số quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa được Quốc hội thông qua.

“Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Bắc Ninh cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua quy hoạch”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục