Bắc Ninh hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên công nghệ cao

18:07' - 07/12/2023
BNEWS Bắc Ninh có hạ tầng công nghiệp lớn nhất Miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.

Tại Tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) tổ chức ngày 7/12, tại Hà Nội, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong lĩnh vực bán dẫn, về hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất Miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.

“Chúng tôi xác định đây là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài”, ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.

 
Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, đặc biệt là các chính sách nâng cao chất lượng lao động trong ngành.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo cho biết, Việt Nam có nguồn nhân lực rất dồi dào, số lượng sinh viên theo học STEM (các ngành khoa học công nghệ) chiếm 1/3 và tăng khoảng 10% trong 3 năm qua.

Theo ông Phúc, Việt Nam có thế mạnh trong đào tạo ngành toán và hoá học, số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, tạo nền tảng tốt trong các ngành còn lại như: bán dẫn, công nghệ thông tin. Hiện nay khoảng 200,000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại nước ngoài.

“Vì vậy, nếu chúng ta phát triển ngành nghề công nghệ cao. Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn”, ông Phúc cho hay.

Nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn và Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo thêm tới đào tạo mới hoàn toàn.

Cùng với đó, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/8/2023 của Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam;

Tiếp đến, tháng 11/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024;

Bên cạnh đó, Việt Nam thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, là cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn. Cơ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẵn sàng hỗ trợ, đón nhận các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển từ các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ. NIC sẽ thực hiện cơ chế một cửa, kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ với các cơ quan, đối tác tại Việt Nam trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh;

Quy hoạch điện VIII cũng đã được Chính phủ đã phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững. Các địa phương, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và đơn vị phát triển hạ tầng cũng đã khẳng định cam kết cung cấp điện, nước ổn định, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp bán dẫn.

Ngoài ra, hệ thống giao thông đã dần hoàn thiện và đồng bộ. Hiện, Việt Nam có 3 Khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao; đồng thời, đã phát triển hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế với hạ tầng, mặt bằng đồng bộ và hiện đại sẵn sàng phục vụ các dự án đầu tư.

Vào tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) tại Thủ đô Washington DC. Hai bên đã đã thống nhất thúc đẩy các đoàn doanh nghiệp bán dẫn Mỹ thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hai nước.

Chủ tịch SIA John Neffeur đã có 2 chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 1 và tháng 10 năm 2023 nhân dịp Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) và Lễ Khánh thành cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Cũng tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục