Bắc Ninh thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn

12:01' - 07/11/2023
BNEWS Chuyển đổi số trong từng công đoạn sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng đang là xu thế tất yếu trong các ngành và nông nghiệp cũng không ngoại lệ.

Bắc Ninh hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin thông minh vào sản xuất như: nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Hàng loạt chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao.

Việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất đã giúp người dân tiếp cận với xu thế thời đại công nghệ, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp cũng cao hơn,  thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Với 7 ha chuyên trồng các loại cây ăn quả, gia đình chị Vũ Thị Sử ở xã Bình Dương (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) không còn phải thuê hàng chục nhân công để tưới cây hàng ngày. Chỉ bằng chiếc điện thoại di động, giờ đây một mình chị Sử có thể vận hành cả hệ thống tưới tiêu thông minh.

Hệ thống tưới này không chỉ giúp cung cấp nước mà toàn bộ phân bón sử dụng bằng chế phẩm sinh học và các loại phân hữu cơ khác cũng được đưa vào qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây. Ngoài ra, toàn bộ khu vườn của chị đều gắn các thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của từng loại cây trồng.

 

Giống như chị Sử, anh Nguyễn Đình Hải ở xã Minh Tân (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) cũng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa cho trang trại rau, củ quả sạch của gia đình. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.

Với chiếc điện thoại thông minh, anh Hải chỉ cần mở phần mềm là có thể xem độ ẩm, độ pH của đất, dinh dưỡng của rau, các thông số liên quan đến sinh trưởng của cây trồng liên tục được cập nhật. Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, mô hình trồng rau của gia đình anh Hải có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh.

Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, trang trại 5 ha của gia đình anh Hải được quy hoạch hoàn chỉnh thành các khu trồng rau củ quả sạch, xây dựng gần 2 ha nhà màng, nhà kính chuyên sản xuất ứng dụng công nghệ cao và liên kết hơn 20 ha vùng nguyên liệu ngoài tỉnh, đã cho doanh thu bình quân đạt khoảng gần 20 tỷ đồng mỗi năm.

Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số áp dụng trong ngành nông nghiệp ở Bắc Ninh đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, việc ứng dụng này chưa trở thành phổ biến. Một số ít hộ thành viên hợp tác xã bước đầu ứng dụng điện thoại thông minh trong điều hành hệ thống phun tưới tự động, quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Tỷ lệ ứng dụng điện thoại thông minh vào khâu sản xuất, chế biến sản phẩm chưa cao.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện có khoảng 17% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao (sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh), tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc… Khoảng 30% hợp tác xã sử dụng máy tính; 8% hợp tác xã ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ yếu là phần mềm kế toán, gửi nhận thư điện tử và tham khảo thông tin về sản phẩm, thị trường), nhưng cũng chỉ có khoảng gần 30% hợp tác xã có máy tính kết nối internet.

Theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trước những đòi hỏi của giai đoạn mới, hoạt động chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể cần phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. 

Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các ngành liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ… đẩy nhanh tiến độ các đề án, dự án, kế hoạch về chuyển đổi số, gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác.

Liên minh Hợp tác xã huy động các nguồn lực, kết nối các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển chuyển đổi số; tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tham gia vào chuỗi cung ứng số như: các sàn thương mại điện tử, website để giới thiệu sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ...; phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung và bước đầu miễn phí...

Đơn vị xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã chuyển đổi số thành công, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục