Bài học từ thương vụ M&A bất thành giữa Kraft Heinz và Unilever

16:37' - 01/03/2017
BNEWS Theo một nguồn tin thân cận với Unilever, thương vụ này hoàn toàn tốt về mặt tài chính và chiến lược cho Kraft Heinz nhưng với Unilever thì lại là con số 0.
Kraft Heinz rút lại kế hoạch mua Unilever. Ảnh minh họa: Pittsburgh Post-Gazette

Chuyến thăm trụ sở chính của Unilever tại London hồi tháng 1/2017 của Chủ tịch tập đoàn Kraft Heinz, Alexandre Behring, ban đầu được Tổng Giám đốc điều hành Unilever Paul Polman coi là chuyến thăm xã giao nhưng rất nhanh sau đó ông đã hiểu ra rằng vị Chủ tịch Kraft Heinz có ý đồ đặc biệt khi hỏi liệu Unilever có bao giờ quan tâm đến việc hợp tác với Kraft Heinz hay không.

Ngay lập tức ông Polman cho thành lập một nhóm đặc biệt để phân tích và dự đoán về ý đồ của ban giám đốc điều hành Kraft Heinz. Đội ngũ nghiên cứu của ông Polman tính đến khả năng Kraft Heinz chào mua lại Unilever vì Kraft Heinz mặc dù nhỏ hơn rất nhiều so với tập đoàn đa quốc gia Unilever, với doanh số bán hàng năm 52,7 tỷ euro và 168.000 nhân viên trên toàn cầu, nhưng tiềm lực tài chính thì dồi dào vì 50% cổ phần của Kraft Heinz được nắm giữ bởi hai tổ chức khủng, chuyên về các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A): đó là tỷ phú Mỹ Warren Buffett và quỹ đầu tư tư nhân 3G Capital của Brazil.

Hôm 10/2, ông Behring, một trong những đối tác của 3G và là một doanh nhân người Brazil, đã quay trở lại Unilever, và đưa ra đề nghị táo bạo là Kraft Heinz mua lại Unilever với giá 143 tỷ USD, thương vụ lớn thứ hai trong lịch sử M&A.

Lời chào mua được đưa ra cả bằng tiền mặt và cổ phiếu nhằm tạo ra một đế chế sản xuất hàng tiêu dùng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Nestle. Tuy nhiên, đề xuất này không nói gì đến mức giá cổ phiếu chào mua 50 USD/cổ phiếu mà ông Polman cho là đánh giá thấp dưới giá trị thực của Unilever. Ngay lập tức, Tổng giám đốc Polman thẳng thừng từ chối đề nghị này.

Ông Behring đã rất ngạc nhiên trước phản ứng dứt khoát của ông Polman. Trên thực tế, chính suy luận sai lầm rằng cuộc họp đầu tiên của họ diễn ra suôn sẻ đã đưa đến hàng loạt tính toán sai lầm khiến thương vụ mặc cả mua lại Unilever của Kraft Heinz sụp đổ hoàn toàn sau 9 ngày kể từ khi lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo.

Khi Kraft Heinz bất ngờ tuyên bố rút lại lời đề nghị mua lại Unilever hôm 19/2, công ty này lần đầu tiên cho công chúng thấy họ, những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới với những tham vọng tưởng chừng như không có điểm dung, đã bị thất bại.

Những thái cực đối lập

Theo quan điểm của ông Behring, thời điểm chào mua là lý tướng vì đồng bảng Anh giảm giá 17% kể từ khi Anh bỏ phiếu rời EU hồi tháng 6/2016. Điều này có nghĩa là Kraft Heinz có thể mua lại được một trong số ít thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng nhất thế giới với giá rẻ.

Đối với các nhà tỷ phú đứng đằng sau 3G, việc mua lại Unilever được coi là thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất trong số các thương vụ mà quỹ này đã thực hiện trong 25 năm qua, trong đó có vụ đầu tư vào tập đoàn đồ uống Anheuser-Busch InBev và Restaurant Brands International, mua lại quyền sở hữu Burger King và Tim Hortons.

Kraft Heinz đã đánh giá sai ông Polman -nhà quản lý muốn nhắm tới tăng trưởng theo mục tiêu dài hạn. Bằng cách đầu tư vào các ngành hang thế mạnh của mình và thúc đẩy các sáng kiến như môi trường bền vững, ông Polman đã hy sinh lợi ích trước mắt để đạt được mục tiêu dài lâu.

Trái lại, 3G lại quản lý theo kiểu thay đổi nhanh ngành công nghiệp hàng tiêu dùng bằng cách cắt giảm mạnh các chi phí, cắt giảm việc làm và tăng tỷ xuất lợi tức.

Trong lĩnh vực được cho là tăng trưởng đang chậm lại và thói quen người tiêu dùng đang thay đổi, các nhà đầu tư đều thích nguyên tắc quản lý tiết kiệm thắt chặt chi tiêu của 3G, trong đó bao gồm cả chiến lược có tên là “lập ngân sách từ số 0”.

Một số nhà quản lý doanh nghiệp coi mô hình này làm triệt tiêu các doanh nghiệp khi họ luôn bị cắt không có khoản nào để chi đầu tư. Một số nhà đầu tư cho rằng các chiến thuật của 3G là quá vụ lợi.

Ông Buffett, người đã xây dựng hình ảnh chuyên đi thâu tóm và nhắm vào các công ty tốt, đã phải đối mặt với những chỉ trích từ chính các cổ đông của ông về cách tiếp cận "phô" của 3G trong các thương vụ mua bán của quỹ này.

Kraft cũng đã tính toán sai trên một phương diện khác: Những thay đổi đã cuốn theo nước Anh đi sau khi Anh quyết định rời EU. Chính phủ bảo thủ của bà May trở nên rất nhạy cảm đối với việc các công ty của Anh có thể bị mua lại với giá thấp do nền kinh tế bị tác động bởi cuộc trưng cầu dân ý.

Anh lo ngại nếu thỏa thuận mua lại Unilever thành công, đồng nghĩa với việc Anh sẽ đối mặt với nhiều ngàn việc làm bị mất, có thể dẫn đến sóng gió trên chính trường Anh. Unilever có thể sẽ trở thành công ty lớn thứ 3 của Anh bị mua lại kể từ khi diễn ra sự kiện Brexit.

Trước đó là hai thương vụ bán lại đình đám gồm ARM Holdings và tập đoàn truyền hình trả tiền Sky cho các nhà đầu tư Nhật và Mỹ. Đây cũng là một công cụ tốt để bảo vệ ông Polman và các cộng sự trong cuộc chiến này.

Cuối cùng, p hía Kraft Heinz buộc phải quyết định họ nên dừng ở đây, và kết quả là một thông báo chung của Unilever và Kraft Heinz đã được đưa ra, chấm dứt hy vọng về một thương vụ đình đám trong lịch sử M&A. Nói chung vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn khả năng Kraft Heinz quay lại mua Unilever, nhưng ban quản lý Kraft Heinz hiện nay sẽ không thể quay lại đề xuất với Unilever trong 6 tháng tới, theo quy định của công ty này.

Bài học kinh nghiệm

Unilever là bài học đắt giá cho Kraft Heinz. Thế giới đã thay đổi, quyết định tiến hành các thương vụ M&A giữa các công ty lớn dựa vào việc cắt giảm chi phí trở nên khó khăn hơn trước. Vấn đề lợi nhuận là quan trọng, nhưng vai trò của người lao động và giới chính trị gia cũng là yếu tố quan trọng cần tính đến trong bài toán M&A giữa các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia.

Cả Chính phủ Anh và Hà Lan đều lo lắng khi biết tin về việc Kraft Heinz định mua Unilever, vì họ biết rằng cách làm truyền thống của Kraft Heinz là sau khi mua xong một công ty mới sẽ tiến hành cắt giảm chi tiêu tối đa, quản lý theo kiểu "lập ngân sách từ số 0", tức là thắt chặt tối đa việc chi phí cho sản xuất, hầu như không có tiền cho nghiên cứu, sáng tạo....

Tiếp theo là cắt giảm nhân công. Khi Heinz mua lại Kraft hồi đầu năm 2015, đến cuối năm tổng doanh số bán hàng có giảm một chút không đáng kể, tuy nhiên lợi nhuận biên của họ tăng lên tới 21% và số lượng nhân viên bị cắt giảm lên tới 13.000 người.

Kraft Heinz bị cho là công ty tư bản có cách nhìn thiển cận. Việc công ty đạt được lợi nhuận biên cao trước mắt sẽ là cái giá đắt mà công ty phải trả trong tương lai. Vì chỉ quan tâm lợi nhuận trước mắt, họ sẽ tìm mua những công ty mà họ thấy có lợi ngay tức thì, sáp nhập xong họ sẽ cắt chi phí sản xuất, giảm nhân công để tăng thật nhanh lợi nhuận biên của công ty trong thời gian ngắn, sau đó lại bán đi và tìm mua công ty khác để tiếp tục vòng quay mua bán của mình. Bên thiệt hại gồm chính công ty đã sáp nhập vì sẽ dần mất đi khả năng cạnh tranh của mình trong tương lai do không được đầu tư để phát triển và người lao động sẽ luôn trong tình trạng lo sợ bị mất việc.

Đối lập hoàn toàn với Kraft Heinz là công ty Nestlé. Công ty nổi tiếng về đầu tư và tái đầu tư để xây dựng những vị trí của họ trên thị trường toàn cầu và việc này được tiến hành liên tục trong rất nhiều thập kỷ qua.

>>>Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Anh dừng bán online các sản phẩm Unilever

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục