Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỳ họp thứ 4 Hội đồng Lý luận Trung ương

15:22' - 23/12/2017
BNEWS Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, ngày 23/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tiến hành Kỳ họp thứ 4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Kỳ họp. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN

“Thưa các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Kỳ họp thứ tư Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021, một kỳ họp bàn chuyên sâu về chủ đề "Công tác lý luận: Thực trạng, vấn đề và giải pháp" và Tổng kết công tác năm 2017, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Hội đồng. Tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí thành viên Hội đồng, các đồng chí đại biểu đã đến dự Kỳ họp quan trọng này.

Chúng ta vừa được nghe các báo cáo của Hội đồng và một số tham luận có nhiều nội dung phong phú, sâu sắc. Sau đây tôi xin lưu ý, nhấn mạnh, gợi mở thêm một vài vấn đề để các đồng chí cùng thảo luận.

Thưa các đồng chí,

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định, ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới. Thành tựu của hơn 30 năm đổi mới vừa qua có sự đóng góp xứng đáng của đội ngũ cán bộ lý luận.

Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới nói chung và công tác lý luận thời kỳ đổi mới nói riêng cũng còn những hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Đại hội XII đã nêu rõ, chất lượng và hiệu quả của công tác lý luận chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ.

Thực tiễn công cuộc đổi mới đang đặt ra và đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, về công tác lý luận. Chúng ta đều biết, lý luận có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. V.I.Lênin đã chỉ rõ: Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng; chỉ đảng nào có được lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới làm tròn vai trò của người chiến sĩ tiên phong. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần khẳng định: Không có lý luận thì như người nhắm mắt mà đi. Tuy nhiên, lý luận không phải là một cái gì khô khan, cứng nhắc; trái lại, nó đầy tính sáng tạo, sinh động, luôn luôn được thực tiễn phong phú, muôn màu, muôn vẻ bổ sung để không ngừng phát triển, hoàn thiện. Thấm nhuần sâu sắc những di huấn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội XII của Đảng một lần nữa khẳng định: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta.

Thưa các đồng chí,

Đại hội XII của Đảng nêu rõ, thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người là nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Từ sau Đại hội, bám sát tư tưởng chỉ đạo, những định hướng lớn, những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Trung ương đã ban hành một số nghị quyết quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; về tiếp tục đổi mới, sắp xếp hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; về chăm lo an sinh xã hội, xây dựng con người, chú trọng nâng cao thể chất, sức khỏe con người và chất lượng dân số. Đây là những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết, đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các nghị quyết Trung ương đã cụ thể hóa, bổ sung, làm sáng rõ hơn tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XII, có giá trị định hướng nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ lý luận, trong đó, Hội đồng Lý luận Trung ương là một đầu mối quan trọng, đã khẩn trương, tích cực triển khai nhiều hoạt động phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thông qua việc triển khai nghiên cứu các chuyên đề phục vụ chương trình nghiên cứu của Bộ Chính trị; các đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020; các báo cáo tư vấn, báo cáo khảo sát, tổng kết thực tiễn, trao đổi lý luận với một số đảng cộng sản, đảng cầm quyền; các hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch..., đội ngũ cán bộ lý luận đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoạch định, tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách lớn. Nhiều đề xuất của các cơ quan tham mưu, tư vấn lý luận chính trị đã được tiếp nhận đưa vào các nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc nhận thức sâu sắc và quyết tâm khắc phục những hạn chế, bất cập đã được nêu trong Báo cáo tổng kết của Hội đồng, nhất là sự chậm trễ về tiến độ, những hạn chế về chất lượng của một số báo cáo tổng kết thực tiễn, nghiên cứu chuyên đề, đặc biệt là chưa giải đáp được kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn.

Thưa các đồng chí,

Tình hình thế giới, khu vực đang và sẽ diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Những bất ổn trên thế giới có chiều hướng gia tăng. Sự di chuyển quyền lực từ Tây sang Đông, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, cùng với chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ đang là những biến động lớn trên thế giới hiện nay. Sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cuộc cách mạng đó đang và sẽ làm thay đổi căn bản cách nghĩ, cách làm và phương thức sinh hoạt của con người.

Chúng ta phải chủ động dự báo, chủ động chuẩn bị về mọi mặt để đưa đất nước tiến lên nhanh hơn, mạnh hơn trước sự vận động mau lẹ của thời cuộc. Nhiều vấn đề rất mới về lý luận, thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và giải quyết tốt. Bối cảnh đó đặt lên vai giới lý luận nước nhà trọng trách rất lớn. Phải có tầm nhìn vượt trước; dự báo chuẩn xác xu thế phát triển; xây dựng hệ thống luận cứ vững chắc cho chiến lược phát triển quốc gia với lộ trình khoa học, bước đi hợp lý.

Về định hướng những vấn đề lý luận cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong thời gian tới, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khóa XI đã xác định. Tôi nhấn mạnh thêm một số vấn đề để các đồng chí nghiên cứu, vận dụng trong việc xây dựng chương trình làm việc, kế hoạch công tác năm 2018 và những năm tiếp theo. Phải chăng, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, từng bước bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn mới, cần lưu ý tập trung thực hiện một số công việc trước mắt sau đây:

Trước hết, cần tập trung nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phục vụ tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, thứ 5, thứ 6, Trung ương đã chỉ rõ những quan điểm, định hướng, giải pháp lớn cần được tổ chức thực hiện có kết quả. Đồng thời, cũng nêu ra một số vấn đề còn có những ý kiến khác nhau cần được tổ chức nghiên cứu, thí điểm, tổng kết để kết luận rõ. Ví dụ: vấn đề nhận thức và giải quyết đúng quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội; vấn đề chế độ sở hữu tài sản; vấn đề tích tụ, tập trung đất đai phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; vấn đề huy động, phân bố, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững; vấn đề mô hình tổng thể của hệ thống chính trị nước ta phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; vấn đề kiểm soát quyền lực... Hội đồng Lý luận Trung ương cần làm đầu mối tập hợp trí tuệ đội ngũ cán bộ lý luận, tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần làm rõ những vấn đề này.

Trong năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tổng kết việc thực hiện Chiến lược công tác cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Chiến lược Biển, để tiếp tục hoàn hiện các chủ trương, chính sách lớn. Đây là vấn đề rất hệ trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thật sự khoa học. Hoạt động lý luận phải tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị này, tư vấn giúp Trung ương có những căn cứ lý luận, thực tiễn vững chắc để có những quyết sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu mới, rất cao của thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Cần khởi động chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Theo Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10-2018) sẽ thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5/2019) sẽ thảo luận Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đại hội XIII có tầm quan trọng đặc biệt. Đại hội không chỉ kiểm điểm, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà còn phải Tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020. Đại hội không chỉ xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong chặng đường 5 năm 2021 - 2025 mà còn định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước đến năm 2030 - năm Đảng ta tròn 100 tuổi, và xa hơn, phải đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 - năm chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2045).

Việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội XIII đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, trong đó có vai trò rất quan trọng của giới lý luận. Các văn kiện Đại hội yêu cầu phải có tính tổng kết, tính dự báo, tính định hướng rất cao, với tầm bao quát rất rộng. Cần nghiên cứu, tổng kết toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng. Bao trùm, xuyên suốt các nội dung, lĩnh vực cần nghiên cứu, tổng kết chính là xác định cho được con đường, lộ trình thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh về mọi mặt và trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ thứ XXI.

Từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đã có nhiều quyết sách đúng đắn để phát triển đất nước nhanh, bền vững, nổi bật là chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh...; xác định đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại... Thực tiễn chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả tích cực của những quyết sách đó. Những năm tới, chúng ta tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn những định hướng chiến lược này trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với nhịp độ rất nhanh, với những nội dung, phương thức, hình thức vô cùng mới mẻ. Thế giới đang nói nhiều và khẩn trương triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông minh, đặc biệt là kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, đô thị thông minh, nền quản trị và những nhà quản trị cùng cư dân thông minh... Chúng ta cần chủ động chớp thời cơ để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, khắc phục bằng được nguy cơ bị tụt hậu. Những người làm công tác nghiên cứu lý luận cần nhạy bén, năng động tiếp cận, tiếp thu sáng tạo những vấn đề lý luận mới, phân tích, chắt lọc, lựa chọn những giá trị tinh hoa có thể vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta; đề xuất các luận cứ khoa học để hoàn thiện các chủ trương, quyết sách của Đảng trước những yêu cầu mới. Chần chừ, chậm trễ sẽ bỏ lỡ thời cơ, sẽ ngày càng tụt hậu; song nóng vội, sao chép giản đơn kinh nghiệm nước ngoài, triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào mà không tính đến đầy đủ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước cũng sẽ dẫn đến thất bại.

Tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập với thế giới ngày càng hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối, hiện đại; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa liêm chính, phát triển; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trí tuệ; xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng dân tộc thông thái, con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng và phát huy giá trị nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng nền quốc phòng, an ninh, ngoại giao hiện đại, nhân văn; huy động, nuôi dưỡng, bảo vệ, phân bổ hợp lý, sử dụng tối ưu mọi nguồn lực; tạo động lực phát triển đất nước nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa... là những định hướng cốt lõi ở tầm chiến lược đối với công tác nghiên cứu lý luận của chúng ta, phù hợp với yêu cầu của đất nước và xu thế phát triển của thế giới. Chưa bao giờ thực tiễn phong phú, mới mẻ của thế giới và đất nước lại mở ra chân trời sáng tạo rộng lớn và đầy sức hấp dẫn đối với đội ngũ những người làm công tác lý luận như bây giờ. Đảng, Nhà nước và nhân dân đòi hỏi và kỳ vọng vào những thành tựu, đóng góp mới của giới lý luận nước nhà.

Thưa các đồng chí,

Gần 2 năm qua, nhất là năm 2017, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có một số đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động: Lấy hoạt động của các tiểu ban làm trọng tâm trong triển khai công việc của Hội đồng; coi trọng tổng kết thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan, địa phương, phát huy vai trò là đầu mối tập hợp và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng các báo cáo, các chuyên đề khoa học. Tập thể Hội đồng và cơ quan Hội đồng đoàn kết, thống nhất, rà soát, bố trí công việc hợp lý, đúng người, đúng việc theo đề án vị trí việc làm. Những đổi mới đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng.

Tôi hoan nghênh những kết quả đó của các đồng chí. Tôi cũng rất vui mừng được biết trong thời gian qua, nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, nhiều cấp ủy địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; đã phối hợp và giúp đỡ Hội đồng Lý luận Trung ương triển khai công việc thuận lợi, hiệu quả. Mong rằng quan hệ tốt đẹp đó tiếp tục được tăng cường, thường xuyên, gắn bó chặt chẽ hơn.

Thưa các đồng chí,

Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ nặng nề của năm 2018 và những năm còn lại của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đồng chí cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng mà Bộ Chính trị đã giao cho.

Hội đồng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ban, ngành liên quan và một số địa phương đẩy mạnh tổng kết thực tiễn. Chú trọng khảo sát, tổng kết thực tiễn là rất đúng hướng. Vấn đề mấu chốt là cần bảo đảm tính thiết thực, chất lượng, hiệu quả. Khảo sát thực tiễn không chỉ dừng lại ở sao chụp, mô tả bề mặt của thực tiễn, mà phải khám phá tầng sâu của thực tiễn, phát hiện các mâu thuẫn, các xu hướng và nhân tố phát triển mới. Đó là tổng kết thực tiễn ở tầm lý luận, đòi hỏi phải rất chuyên tâm và công phu. Đẩy mạnh việc nghiên cứu các đề tài trong Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cấp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; các chuyên đề nghiên cứu lý luận chính trị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII. Cố gắng đề xuất những điểm mới, nhất là giải pháp có tính đột phá trong từng đề tài, từng chuyên đề để Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu.

Tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả hơn nữa vào việc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, thù địch, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác lý luận với các đảng cộng sản cầm quyền và một số đảng khác trên thế giới, tích cực trao đổi, đối thoại với các học giả nước ngoài nhằm cập nhật, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận thế giới có giá trị tham khảo cho Việt Nam; đồng thời giới thiệu, quảng bá đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và những thành tựu lý luận Việt Nam.

Hội đồng, Cơ quan Hội đồng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xác định thật khoa học vị trí việc làm; chú trọng công tác kết nối, cập nhật thông tin lý luận trong nước, quốc tế; đoàn kết, sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương, phấn đấu hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tiểu ban và các thành viên Hội đồng. Các tiểu ban của Hội đồng cần nêu cao tính chủ động, tính kế hoạch, tính dân chủ. Tăng cường các sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, thảo luận sâu, tranh luận thẳng thắn các vấn đề chưa đủ rõ để đi đến nhận thức thống nhất. Các thành viên Hội đồng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, tâm huyết với công việc. Tham gia Hội đồng là để thực hiện những công việc rất quan trọng, hệ trọng, liên quan đến quá trình hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng. Không thấy hết vinh dự và trách nhiệm; không đầu tư tâm sức, trí tuệ, không trăn trở, tâm huyết, tìm tòi, sáng tạo thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Thưa các đồng chí,

Sắp bước sang năm 2018 và chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất, với tình cảm gắn bó thân thiết, tôi xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc. Năm mới quyết tâm mới, nỗ lực mới, thành công mới"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục