Bàn cách gia tăng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

17:45' - 01/12/2022
BNEWS Thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá hay chương trình kích cầu du lịch đã thu hút rất nhiều khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.

Thời gian gần đây, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định, không chỉ qua các kênh phân phối lớn nhỏ trong nước, mà còn được tiêu thụ nhiều hơn qua các kênh thương mại điện tử.

 

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá qua các hoạt động văn hoá - du lịch. Thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá hay chương trình kích cầu du lịch đã thu hút rất nhiều khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.

Đây cũng là một trong những kênh phân phối tiềm năng, đã hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là chủ đề được các đại biểu đưa ra tại tọa đàm Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch do Tạp chí Công Thương tổ chức chiều 1/12 tại Hà Nội.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho hay, Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm giáp ranh giữa Đông Bắc và Tây Bắc, là một tỉnh có thiên nhiên ưu đãi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa rất lớn.

Những năm vừa qua, sau khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến chất lượng hàng hóa cũng như phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản của tỉnh Tuyên Quang.

Về tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, Tuyên Quang vẫn tiêu thụ hàng hoá qua rất nhiều kênh phân phối cũng như kênh tiêu thụ truyền thống.

Thông qua các hoạt động này, du khách đến Tuyên Quang rất đông, đặc biệt là qua Lễ hội Thành Tuyên tổ chức hàng năm đã thu hút nhiều khách đến tham quan.

Vì vậy, phương thức tiêu thụ thông qua hoạt động văn hoá - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích và giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa tỉnh Tuyên Quang có thể bán cũng như giới thiệu được sản phẩm đến với thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm hiện nay đang có những chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè Shan tuyết của tỉnh được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, trên thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế; trong đó, có nông nghiệp và cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của du lịch thì ngày càng có sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai lĩnh vực này.

Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp, thể hiện rất rõ đã có hàng chục sản phẩm nằm trong top đầu xuất khẩu thế giới. Đến nay, du lịch cũng đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, đứng thứ 25 trên thế giới về tài nguyên du lịch, và đứng thứ 75 thế giới tiềm năng khách du lịch.

Sự kết hợp giữa giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt.

Nếu như trước đây chỉ có du lịch kết hợp với nông nghiệp phổ biến ở những vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những vườn trái cây đã hình thành những hình thức kết hợp du lịch với ăn ở tại vùng có vườn trái cây lớn.

Nhưng hiện nay, lên Tây Bắc hoặc vào miền Trung cũng dần dần xuất hiện những hình thức đi du lịch ở những nông trường, trang trại, khu mà có những sản phẩm đặc sản, thậm chí những homestay có thể ăn ở cùng với chủ nhà và tham gia những sinh hoạt sản xuất, thu hái…

Tất cả những hoạt động này đã được nhận diện và hình thành bước đầu có kế hoạch ở một số địa vùng, giúp tạo ra những động lực tăng trưởng mới và hiệu quả mới, toàn diện hơn cho vùng miền.

Ông Võ Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng cho biết, đặc thù của vùng núi Tây Bắc cũng như ở Sa Pa về thời tiết, khí hậu là một cản trở, rất khắc nghiệt.

Với thời tiết rét và mây mù, mưa nhiều, nắng ít, rất khó khăn sản xuất mặt hàng thổ cẩm. Vì vậy, công ty đã xây dựng một khu rộng lớn hơn để sản xuất tại chỗ đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên do sản phẩm sản xuất thủ công, chất lượng không đồng đều, khách hàng khó tính nên đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp cũng như nhiều doanh nghiệp khác chuyển hướng quay về phát triển thị trường nội địa.

Ông Lộc Kim Liễn cho biết, Sở Công Thương cũng đã định hướng một số nội dung cần phải làm để giúp bà con bán hàng tốt hơn. Giữa hoạt động thương mại với hoạt động du lịch có sự gắn kết rất chặt chẽ và Tuyên Quang trong nhiệm kỳ này chú trọng phát triển du lịch là khâu đột phá, lấy kinh tế du lịch là kinh tế trọng tâm. Vì vậy, tỉnh tập trung phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch lịch sử, homestay, du lịch vào rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, tắm bùn ở suối khoáng,…

Cùng với đó, Sở Công Thương có định hướng xây dựng điểm bán hàng tại những vùng phát triển du lịch tốt, xây dựng điểm bán hàng đặc biệt OCOP; phát triển kinh tế đêm kèm bán sản phẩm nông sản để du khách vừa đến chơi, vừa có thể thưởng thức ẩm thực, mua bán sản phẩm dịch vụ và sản phẩm lưu niệm.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, đã đến lúc Chính phủ cần có những chỉ đạo để các cơ quan hữu quan thống nhất cách làm và có những bản ký kết mang tính chất liên ngành để tăng cường hỗ trợ tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sản phẩm vùng miền.

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động này nhằm tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau; mở rộng hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng; quảng bá về sản phẩm, các danh mục cho đối tượng khách hàng tiềm năng.

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho địa phương, sản phẩm và thổi hồn văn hóa vào cho các sản phẩm để tăng sức hấp dẫn, thậm chí giá trị đạt được trong bán hàng cũng sẽ cao hơn./.

>>Thái Nguyên: Hỗ trợ xúc tiến đầu tư và tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục