Ban Chỉ đạo 389: Nhiều phương án chống buôn lậu cuối năm

18:00' - 24/12/2017
BNEWS Tính đến thời điểm cuối tháng 12 này, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kế hoạch nghiêm túc, góp phần đưa kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Những ngày gần Tết dương lịch và Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái đang có dấu hiệu gia tăng, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), ông Đàm Thanh Thế đã có trao đổi với báo chí về những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên.

Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), ông Đàm Thanh Thế. Ảnh: VGP
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2017 có gì đáng chú ý?

Ông Đàm Thanh Thế: Năm 2017, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ngay từ đầu năm, Văn phòng thường trực đã tham mưu, đôn đốc bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tính đến thời điểm cuối tháng 12 này, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kế hoạch nghiêm túc, góp phần đưa kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được những chỉ tiêu đề ra.

Về số vụ vi phạm, hết tháng 10/2017, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện trên 200.000 vụ, cao hơn so với năm 2016. Trong đó, tình trạng buôn lậu trên các tuyến biên giới từng bước được kiềm chế, giảm xuống rõ rệt, đặc biệt là khu vực biên giới phía Bắc.

Văn phòng Thường trực thường xuyên nắm bắt tình hình địa bàn thông qua các buổi tọa đàm với các tỉnh biên giới trọng điểm biên giới phía Bắc. Có thể thấy rằng, thời điểm đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua các tuyến biên giới còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Văn phòng thường trực phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng Kế hoạch số 243/KH-VPTT ngày 28/6/2017, cùng phối hợp với lực lượng chức năng tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai để tăng cường công tác nắm tình hình, nhận diện đối tượng, tổ chức phối hợp đấu tranh.

Có thể nói, sau hơn 4 tháng triển khai, nhiều mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch đã đạt được yêu cầu như tuyên truyền, vận động người dân không tham gia tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu; xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn lối mở được ngăn chặn, đặc biệt đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác này, trong đó có các lực lượng biên phòng, hải quan… Qua đó, lập lại trật tự trong hoạt động buôn bán hàng hóa của các tổ chức, cá nhân tại các khu vực biên giới, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

PV: Thưa ông, trong thời điểm cuối năm, các mặt hàng trọng điểm sẽ gia tăng, đặc biệt là pháo nổ. Vậy Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có kế hoạch gì để ngăn chặn, phòng chống buôn lậu đối với những mặt hàng trọng điểm?

Ông Đàm Thanh Thế: Hiện nay Văn phòng thường trực đã tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia 389 ký ban hành Kế hoạch cao điểm chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, buôn lậu trước, trong và sau tết 2018. Chúng tôi xác định cần đấu tranh và ngăn chặn tình trạng buôn bán qua đường biên, đường mòn lối mở biên giới, trong đó có những mặt hàng cần ngăn chặn như pháo nổ và hàng hóa gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng để tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, kịp thời chỉ đạo tới lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn, chống gian lận thương mại và hàng giả dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Đặc biệt với mặt hàng pháo nổ, qua thực tế cho thấy vẫn diễn biến rất phức tạp. Pháo nổ theo quy định là hàng cấm cần tập trung xử lý nhưng các đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách để vận chuyển, mua bán bất hợp pháp mặt hàng pháo hoa. Quá trình xử lý còn nhiều ý kiến trái chiều, hiện Văn phòng thường trực đang tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia hướng dẫn xử lý, cũng như đấu tranh, ngăn chặn để hạn chế tối đa tình trạng pháo nổ diễn ra phức tạp ở nội địa trong dịp tết này.

PV: Thời gian gần đây nổi lên các vụ buôn lậu xăng dầu lớn. Qua các vụ án này, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có những đề xuất nào để công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu xăng dầu đạt hiệu quả ?

Ông Đàm Thanh Thế: Nhận diện những tác hại của gian lận thương mại, nhất là buôn lậu xăng dầu, Văn phòng Thường trực đã có tham mưu với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký ban hành Kế hoạch 401. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang triển khai kế hoạch nghiêm túc.

Sau 4 tháng triển khai, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu xăng dầu lớn. Điển hình là bắt được 2 tàu vi phạm, tịch thu số xăng dầu vân chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam, thu nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Nhận diện về tình trạng gian lận xăng dầu trong nội địa, Ban Chỉ đạo 389 đã giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng cục Thuế hướng dẫn các địa phương gián tem cây xăng thực hiện đo lường chính xác. Các địa phương thực hiện nghiêm túc và số thuế thu từ hoạt động xăng dầu của địa phương tăng lên đáng kể so với trước thời điểm dán tem.

Cũng từ đó, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra xác định một số tư thương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, xăng bẩn. Nổi lên trên địa bàn tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức pha trộn dung môi làm giảm chất lượng xăng dầu, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các sai phạm, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

PV: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có đề xuất gì nhằm phối hợp với cơ quan chức năng để tăng công tác chống buôn lậu dịp cuối năm này, thưa ông.

Ông Đàm Thanh Thế: Có thể nói, từ lãnh đạo văn phòng thường trực đến các chuyên viên đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc hướng dẫn tổng kết công tác năm, đến công tác thi đua khen thưởng, tổ chức các đoàn ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chuyên đề.

Bên cạnh đó, Văn phòng thường trực cũng chỉ đạo chuyên viên tiếp tục tăng cường bám sát địa bàn, hướng dẫn cẩn thận chu đáo đầy đủ cho các cơ quan thường trực tại 63 tỉnh thành. Từ đó tổng hợp, báo cáo lại với Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhằm đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn tình trạng buôn lậu gian lận xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá, pháo....

Đồng thời, đảm bảo cho thị trường và người dân có hàng hóa tốt cho người tiêu dùng tránh đồ ăn thức uống kém chất lượng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục