Bàn giải pháp cho phát triển đô thị

13:41' - 10/01/2017
BNEWS Ngày 10/1, Cục Phát triển hạ tầng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Hướng tới phát triển bền vững tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam".
Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Trước thực trạng phát triển đô thị thiếu kiểm soát; sự mất cân đối và hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ; việc quản lý khai thác và sử dụng đất xây dựng đô thị chưa hiệu quả.... ngày 10/1 tại Hà Nội, Cục Phát triển hạ tầng (Bộ Xây dựng) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Hướng tới phát triển bền vững tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam".

Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế về lĩnh vực quy hoạch đô thị và phát triển bền vững; một số lãnh đạo bộ, ngành và doanh nghiệp ngành xây dựng.

Đại diện Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển đô thị đã đánh giá về thực trạng đô thị hoá tại Việt Nam.

Theo đó, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực thì quá trình đô thị hoá của nhiều địa phương nói riêng và của cả nước nói chung còn ở mức thấp.

Hệ thống đô thị phân bổ và phát triển chủ yếu tại vùng đồng bằng châu thổ lớn ở cực Bắc và Nam; ở khu vực ven biển, ven các con sông lớn cùng với các đồng bằng hẹp thuộc vùng núi.

Tính đến năm 2016, cả nước đã có 802 đô thị và trên 10.000 điểm dân cư nông thôn. So với năm 1998, tỷ lệ đô thị hoá tăng từ 20% lên mức 36,6% vào năm 2016.

Diện tích đất đô thị tăng từ 630 km2 vào năm 1998 lên hơn 41.700 km2 vào năm 2016; chiếm 12,6% diện tích đất tự nhiên toàn quốc....

Trong khi đó, tổng thu tại đô thị khoảng 70% và đóng góp khoảng 50% vào GDP của cả nước.

Bàn tới các bất cập về phát triển đô thị Việt Nam hiện nay, nhiều diễn giả cho rằng, do thiếu kiểm soát, nên hệ thống đô thị của Việt Nam và các tỉnh, địa phương đã phát triển vượt dự báo, thậm chí xuất hiện xu hướng đô thị hoá toàn tỉnh.

Vấn đề quản lý đô thị cũng chưa theo kịp thực tiễn phát triển; khả năng dự báo quy hoạch chưa đáp ứng được xu thế phát triển của đô thị; các quy hoạch dễ dàng bị điều chỉnh và thiếu hợp nhất đa ngành; quản lý hành chính đô thị yếu so với thực trạng phát triển đô thị; cơ cấu quản lý đô thị chưa phân biệt được với quản lý nông thôn...

Bà Lan Anh nhấn mạnh thêm về sự chậm phát triển của hệ thống giao thông công cộng. Mạng lưới giao thông tại các đô thị lớn chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu đi lại và vận tải của người dân.

Chiếu sáng đô thị cũng chưa được quan tâm đúng mức; môi trường đô thị thiếu kiểm soát. Các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất còn thiếu, yếu và tình trạng xả thái trực tiếp ra môi trường vẫn thường xuyên diễn ra, gây ô nhiễm sông hồ...

Ông AchimFock, Chuyên gia về quản lý danh mục và hoạt động, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bổ sung thêm, qua đánh giá, nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải và chưa theo quy hoạch, kế hoạch.

Nhiều dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị triển khai còn chậm. Các dự án phát triển đô thị mới thiếu đồng bộ, thiếu hạ tầng xã hội.

Nhiều dự án cải tạo môi trường đô thị chưa gắn với các dự án cải tạo chỉnh trang và phát triển mới nơi ở, nơi làm việc và giải trí của đô thị.

Quan trọng hơn là việc quản lý khai thác sử dụng đất xây dựng đô thị chưa hiệu quả.

Đất dự án bỏ hoang lớn, thiếu quản lý đất dự trữ phát triển cho các mục tiêu dài hạn. Nhiều địa phương đã cấp đất dự án vượt dự báo phát triển đất xây dựng đô thị tới năm 2020... ông AchimFock lưu ý.

Trước những vấn đề nóng của đô thị hiện nay như gia tăng dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước, ngập úng và triều cường, thiếu hụt năng lượng và phát thải Co2...các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để kiểm soát tình trạng phát triển nhà ở và các khu công nghiệp.

Đồng thời, quản lý các dự án nhà ở quy mô trung bình và lớn...; xây dựng kế hoạch và có những hành động kịp thời với những công cụ hiệu quả để hỗ trợ việc đánh giá, kiểm soát và nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vấn đề này.

Ngoài việc tạo lập cơ sở dữ liệu và bộ chỉ số đánh giá mức độ chống chịu tác động của biến đổi khí hậu cùng những rủi ro đối với các đô thị, các cấp, ngành cũng cần cải thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường hiệu lực, cơ chế và chính sách quản lý xây dựng, phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, xây dựng những quy định về quản lý phát triển đô thị thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu do thiên tai.

Ngoài ra, xây dựng các chương trình phát triển đô thị và đầu tư khẩn cấp cho những đô thị bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cùng với đó, là việc nâng cao nhận thức, năng lực và tư vấn chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên gia quy hoạch và phát triển bền vững.

Tiến sĩ Liu Thai Ker, Chủ tịch Trung tâm những thành phố đáng sống cũng chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch và phát triển đô thị từ Singapore.

Ông Liu cho rằng, Singapore cũng là quốc gia nhỏ bé có diện tích đất tự nhiên không lớn. Tuy nhiên, với chính sách quy hoạch theo tư duy đổi mới nên Singapore vẫn có nhiều nhà cao tầng, mật độ xây dựng cao nhưng đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí của thành phố sinh thái.

Singapore phát triển đô thị phù hợp với các điều kiện vốn có của mình; tối ưu hoá các giá trị kinh tế đô thị bằng các giải pháp công nghệ cao; ưu tiên sử dụng những yếu tố tự nhiên như ánh sáng, nắng, gió, nước mưa... để đem lại các tiện ích cho con người.

Công nghệ cao và các sản phẩm nhân tạo thông minh được ứng dụng triệt để để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm kinh tế và an toàn cho người sử dụng... Đó có thể là cách hay để nhiều quốc gia; trong đó, có Việt Nam tham khảo và học tập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục