Bàn giải pháp minh bạch quản lý công sản

14:20' - 06/10/2017
BNEWS Dù đã cơ bản đi vào nề nếp. Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng tài sản công.
Ngày 6/10, Bộ Tài chính và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) đã phối hợp tổ chức Hội thảo – Triển lãm Tài chính Việt Nam 2017  (Vietnam Finance) “Nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công và vai trò của công nghệ thông tin”.

Triển lãm Vietnam Finance lần thứ 14. Ảnh: Thùy Dương/BNWES/TTXVN
Báo cáo tình hình quản lý sử dụng tài sản Nhà nước năm 2016 của Bộ Tài chính cho thấy, quản lý và sử dụng tài sản công đã cơ bản đi vào nề nếp, tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục; ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành đã được nâng lên, hiệu quả sử dụng khai thác tài sản được chú trọng. Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng tài sản công.

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản. Đồng thời, hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công còn bất cập, chưa bao quát hết các đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc quản lý, sử dụng một số loại tài sản Nhà nước trong một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính.

Để nâng cao hiệu qủa quản lý sử dụng tài sản công, ông Trần Đức Thắng cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tiếp tục thực hiện sắp xếp lại tài sản công, tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động dịch vụ liên quan đến tài sản công, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công.

Đặc biệt, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, sẽ ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại Triển lãm Vietnam Finance lần thứ 14. Tác giả: Thùy Dương/BNWES/TTXVN
Ông Vũ Danh Hiệp, Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) cũng cho rằng để thực sự đổi mới trong cơ chế quản lý sử dụng tài sản công thì các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao vốn có trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn, được quyền quyết định việc sử dụng tiền vốn, tài sản gắn liền với nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, được huy động vốn, góp vốn, liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế khác trong việc thành lập các tổ chức kinh tế mới. Các đơn vị này có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật, được tự quyết định biên chế và trả lương trên cơ sở hiệu quả, chất lượng công việc, xây dựng cơ chế tài chính như cơ chế áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ cơ chế để lại khoản chênh lệch thu chi theo tỷ lệ cho đơn vị cấp trên.

Hoạt động liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công phải rõ ràng, minh bạch, tách bạch công – tư.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo việc liên doanh, liên kết cần phải hình thành pháp nhân mới. “Vì thực tế hiện nay khi chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao các đơn vị này không được phép mang tài sản công để liên doanh liên kết nhằm mục đích thu lợi nhuận”, ông Vũ Danh Hiệp nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã thảo luận, làm rõ những tồn tại, hạn chế về chính sách, nghiệp vụ quản lý tài sản công; kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; những khó khăn thách thức đối với phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; yêu cầu đặt ra để phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, làm rõ các xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; quản lý tài sản công; kinh nghiệm, xu hướng các nước về việc nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục