Bàn giải pháp phát triển hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại

18:52' - 18/07/2022
BNEWS Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 hai năm qua nhưng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam phát triển rất mạnh.

Nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời làm rõ hơn những vấn đề được dư luận quan tâm, chiều 18/7, tại Hà Nội, Báo Công Thương đã tổ chức Chương trình Chính sách và Đối thoại với chủ đề: Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số hạ tầng thương mại: Phát triển hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại.

 
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ rà soát và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn mới về loại hình hạ tầng thương mại. Dựa trên cơ sở đó làm căn cứ cho các địa phương xây dựng kế hoạch, quy hoạch tổng thể và phát triển kênh phân phối hiện đại với tốc độ nhanh hơn.

Chính vì vậy, Vụ Thị trường trong nước được lãnh đạo Bộ Công Thương giao làm Tổ trưởng của Tổ soạn thảo xây dựng Thông tư thay thế Quyết định 1371 được Bộ Thương mại ban hành từ năm 2004 về quy chế thương mại đối với các trung tâm thương mại và siêu thị. 

Cho đến nay, tiêu chí đó đã có nhiều phát huy trong việc phát triển những hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị thời gian 18 năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng có những tiêu chí đã hoàn toàn lạc hậu so với những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành cũng như thực tiễn về phát triển thị trường trong nước, nhất là trong hạ tầng thương mại hiện đại. Hơn nữa, việc thay thế những văn bản theo khuynh hướng cải cách thủ tục hành chính cũng là nhiệm vụ bắt buộc của các đơn vị trong ngành công thương.

Vì vậy, Tổ soạn thảo đã xây dựng một dự thảo ở cấp mới là tổ soạn thảo của Bộ Công Thương, lấy ý kiến rộng rãi, đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng trên cổng thông tin của Bộ Công Thương.

Cùng đó, dự thảo còn được chuyển đến 63 tỉnh, thành phố cũng như các hiệp hội ngành hàng có liên quan như Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và những hiệp hội có liên quan khác… và đến nay đã có 70 ý kiến gửi về góp ý dự thảo này.

Đánh giá về quy mô, tốc độ phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định: Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 hai năm qua nhưng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam phát triển rất mạnh. Thời điểm hiện tại, nhiều hệ thông bản lẻ lớn đã mở rộng mạng lưới, hệ thống siêu thị gia tăng việc chiếm lĩnh thị phần. Ngay những tháng đầu năm 2022, các cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ đều có sự tăng trưởng rất ấn tượng; các hệ thống bán lẻ không ngừng cố gắng chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là tại các thành phố lớn.

Chuyên gia kinh tế Trịnh Thị Thanh Thủy cho hay, trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu của người dân và nhu cầu sản xuất tiêu dùng tăng lên rất cao, đời sống dân cư cũng được nâng lên, tất yếu dẫn đến nhu cầu của thị trường bán lẻ cũng liên tục tăng lên hàng năm với mức tăng trưởng trên 2 con số. Bộ Công Thương có vai trò trong việc ban hành rất nhiều quy định, thông tư hướng dẫn theo hướng tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường nhưng cũng tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các nhà phân phối trong nước và nước ngoài.

Do đó, sự ra đời của thông tư đang trong quá trình soạn thảo là hết sức cần thiết đối với thị trường bán lẻ hiện nay, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia.

Lý giải về tiêu chí “Biển hiệu phải ghi bằng tiếng Việt Nam là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh: Với yếu tố này, Bộ Công Thương hoàn toàn tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp; trong đó, có những điều khoản quy định rất rõ về việc ghi tên, biển hiệu...hoàn toàn là phù hợp.

Thêm nữa, Bộ cũng đang lắng nghe đóng góp ý kiến về việc có nên Việt hóa một số tên gọi đặc thù của loại hình hạ tầng thương mại hay không.

Đơn cử, Bộ Công Thương cũng đang phải tạm sử dụng từ logistics để xây dựng chiến lược phát triển quốc gia về logistics là một từ ngoại nhập từ tiếng Anh để thể hiện được đúng những chức năng và hài hòa với các cái tiêu chuẩn quốc tế. Thêm vào đó, outlet cũng là một cụm từ mà nếu Việt hóa ra cũng rất mong các nhà ngôn ngữ học hay cộng đồng doanh nghiệp gợi ý cho Bộ Công Thương có từ nào thay thế mang tính bao quát hơn.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang xin ý kiến điều chỉnh những văn bản vi phạm pháp luật nhằm phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp cũng như ngành bán lẻ phát triển nhằm đạt mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại trong nước theo hướng văn minh, hiện đại mà vẫn tạo điều kiện cho người dân có được sinh kế.

Liên quan đến vấn đề biển hiệu, chuyên gia kinh tế Trịnh Thị Thanh Thuỷ cho rằng, việc đánh giá cần đứng trên quan điểm của người tiêu dùng, chủ thể kinh doanh, nhà quản lý và của toàn xã hội.

Theo đó, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần phù hợp với thực tiễn, nhưng cũng phải có tính dự báo và mang tính ổn định tương đối. Thực tế cho thấy, việc đặt tên là siêu thị mini, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi, và các cửa hàng hiện nay như cửa hàng sạch, cửa hàng thực phẩm hữu cơ… giúp người tiêu dùng nhận biết được bằng hình ảnh rõ ràng hơn.

Theo bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ, nên định hướng kinh doanh các loại hình hàng hoá theo quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ. Tùy từng loại hình có quy định có bãi đỗ xe để đáp ứng nhu cầu của người mua sắm. Đối với những cửa hàng tiện lợi nằm ở trong khu dân cư thì không cần phải có bãi đỗ xe.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư miền Bắc, Tập đoàn Central Retail chia sẻ: về vị trí lựa chọn mặt bằng kinh doanh, Central Retail luôn ưu tiên lựa chọn những mặt bằng ở vị trí dễ nhìn, dễ tìm dễ thấy như ngã ba, ngã tư, trục đường lớn…Bãi đỗ xe là điểm Central Retail nghiên cứu rất kĩ vì đây là điểm quyết định lớn đến sự thành công, khi nghiên cứu dự án và xây dựng thiết kế. Tập đoàn luôn dành những vị trí phù hợp nhất tùy theo tỉ lệ quy mô của Trung tâm thương mại định mở.

Ngoài ra, tiện ích với khách hàng là ưu tiên số 1, luôn được xây dựng theo quy mô đạt tiêu chuẩn cung cấp đa dạng dịch vụ. Central Retail kết hợp với sân chơi cho trẻ em trong Trung tâm thương mại mục tiêu hướng tới sự vui chơi, giáo dục định hướng cho trẻ em…

Ngoài ra, Central Retail tập trung cả những cửa hàng ăn uống, như: Pizza hut, Highland; đồng thời tập trung những thương hiệu khác ở Việt Nam để phù hợp với nhu cầu mua sắm, ăn uống ở từng địa phương. Central Retail tin tưởng mô hình kinh doanh đa dạng này sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, tiện ích đến người dân địa phương và điều này sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục