Bàn giải pháp phát triển Sâm Lai Châu

20:48' - 28/02/2023
BNEWS UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Diễn đàn mùa Xuân về phát triển Sâm Lai Châu nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật, sản xuất giống và định hướng công nghệ chế biến sản phẩm từ Sâm.

Chiều 28/2, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Diễn đàn mùa Xuân về phát triển Sâm Lai Châu nhằm kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật, sản xuất giống và định hướng công nghệ chế biến các sản phẩm từ Sâm. Đồng thời, thông tin một số chính sách của Chương trình mục tiêu Quốc gia, của tỉnh về dược liệu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải nhấn mạnh: Sâm Lai Châu được phát hiện và công bố lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2013. Trải qua 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các nhà khoa học.

Đến nay, Lai Châu bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: Bảo tồn 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng trên 21.000 cây mô hình; Sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng; có một cơ sở được cấp mã số cơ sở nuôi trồng loài Sâm Lai Châu và 2 cơ sở hiện đang trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp mã số theo quy định; xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu" cho sản phẩm củ tươi và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu"…

Hiện Lai Châu đã rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000 ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển Sâm Lai Châu; trong đó có 17.000 ha rất thích hợp để phát triển. Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển Sâm Lai Châu thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ Sâm Lai Châu. Đến năm 2045, phát triển thêm 7.000 ha vùng trồng Sâm Lai Châu, đưa vùng trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đạt 10.000 ha.

Tham luận tại hội nghị, anh Pờ Và Hừ, ở bản Xín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã chia sẻ kinh nghiệm trồng cây Sâm trên địa bàn xã. Anh Hừ nhấn mạnh: Muốn kinh tế hộ gia đình bền vững, ổn định trong vùng đất giao thông đi lại còn khó khăn, thì cây Sâm là loại cây có giá trị kinh tế cao, thuận lợi cho việc trồng; muốn có đột phá về cây Sâm gốc, phải có khoa học, kỹ thuật tăng cường, nhất là khi bệnh vàng lá xảy ra, kịp thời can thiệp tránh những rủi ro lớn xảy ra; bảo vệ thương hiệu Sâm Lai Châu là một trong những khâu cần thiết, tránh việc được mùa mất giá.

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến, Viện nghiên cứu Lâm sinh đã chia sẻ hai giải pháp quản lý, bảo tồn nguồn giống Sâm tự nhiên gồm: Xây dựng đề án khoanh vùng bảo tồn nguồn gen cây Sâm phân bố trong tự nhiên và xây dựng đề án lưu trữ nguồn gen Sâm Lai Châu.

Về định hướng phát triển vườn cây giống cần xây dựng mỗi huyện tổi thiểu một trung tâm phát triển vườn giống chất lượng cao được chọn lọc, đủ điều kiện sản xuất tối thiểu 1 triệu cây giống/năm đáp ứng công suất trồng 10ha/năm; cần xây dựng đề án phát triển nguồn giống tại chỗ trong dân và xây dựng mô hình Sâm công nghệ cao tại các khu vực có điều kiện khí hậu phù hợp, mặt bằng thuận lợi (nhà lưới, nhà màng, trên khay).

Ông Lê Quang Trung, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Sao đỏ Tây Bắc cho rằng, Lai Châu là tỉnh có tiềm năng để phát triển Sâm Lai Châu. Với điều kiện như Lai Châu và huyện Sìn Hồ nói riêng, muốn phát triển Sâm Lai Châu cần trồng ở mức độ thâm canh và mô hình nhà lưới (kiểm soát nhiệt độ dưới 26 độ C). Trồng Sâm cần nhất là khâu bảo vệ, phải ăn cùng, ngủ cùng sát sao với cây Sâm để kịp thời phát hiện bệnh và sên cắn cây. Khi tỉnh đã phát triển rộng trên các nương đồi thì nghiên cứu nhân rộng xuống khu vực vùng dưới để dễ chăm sóc và tránh mất trộm.

Tại diễn đàn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu Lê Thanh Hải đã thông tin tới các đại biểu các vấn đề pháp lý về phát triển Sâm Lai Châu, các chính sách hỗ trợ phát triển cây Sâm của tỉnh để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nắm rõ.

Kết luận diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng kêu gọi nhân dân trong tỉnh chung tay, đồng lòng phát triển Sâm Lai Châu; nếu phát triển chậm vùng trồng thì càng tụt hậu, nên phải trồng nhanh và lan tỏa vùng trồng; người dân cũng dành nhiều thời gian để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về cách trồng, chăm sóc cây Sâm.

Hiệp hội Sâm Lai Châu và các thành viên trong Hiệp hội cần đẩy mạnh liên kết với người dân tạo thành các vùng trồng; các doanh nghiệp sớm xây dựng cơ sở để chế biến sản phẩm sâu, hướng tới ngành công nghiệp Sâm Lai Châu với các sản phẩm cao sâm, nước sâm, thẩm mỹ, làm đẹp…

Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp cần tạo ra được thị trường giống và thị trường Sâm, cần quan tâm cấp nhiều mã vùng trồng sâm, không giới hạn về số lượng nhằm tạo ra thị trường để trao đổi buôn bán; triển khai các quy trình tiến tới sản xuất Sâm Lai Châu, tổ chức các lễ hội Sâm gắn với sự tích về Sâm cùng với văn hóa đồng bào các dân tộc. Các huyện, xã quyết tâm thể biện bằng chủ trương Nghị quyết có kế hoạch cụ thể theo từng năm, giai đoạn về phát triển cây Sâm.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 18 cá nhân có thành tích tiêu biểu, điển hình trong việc bảo tồn, phát triển cây Sâm Lai Châu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục