Hỗ trợ tài chính phát triển cây sâm Ngọc Linh bền vững dưới tán rừng

09:13' - 28/02/2023
BNEWS Các chuyên gia Quỹ khí hậu và phát triển triển Hà Lan và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam đã đi thực tế Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho dự án phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Các chuyên gia Quỹ khí hậu và phát triển triển Hà Lan và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã đi thực tế Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho dự án phát triển cây sâm Ngọc Linh bền vững dưới tán rừng của Công ty TNHH Sâm Sâm (Sâm Sâm Group) được triển khai tại thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

 

Các chuyên gia cũng đánh giá cao mô hình dự án Phát triển cây sâm Ngọc Linh bền vững dưới tán rừng góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sâm Sâm.

Sâm Sâm Group hiện đang trồng 500 nghìn cây sâm Ngọc Linh nhiều năm tuổi trên diện tích 200 ha. Vùng trồng của Sâm Sâm Group được xây dựng theo tiêu chuyển GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Trong thời gian tới dự án Sâm Sâm Group sẽ thu thu hoạch 400 nghìn hạt và trồng mới 500 nghìn cây 1 năm tuổi từ nguồn giống hữu tính và vô tính (phương pháp nuôi cấy mô).

Đơn vị hiện đã đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh trên diện tích 2,5 ha với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 120 tỷ đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhà máy sản xuất dược liệu và tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp nhân giống vô tính với năng lực sản xuất 1 triệu cây giống/năm.

Mục tiêu đến năm 2030 đạt năng suất 5 triệu cây giống/năm, đáp ứng nguồn cung cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp sâm quốc gia.

Làm việc và kiểm tra thực tế tại vùng trồng sâm cũng như nhà máy sản xuất, ông Huib -Jan de Ruijter, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan đánh giá đây là dự án rất khác biệt và độc đáo so với các dự án đã được đầu tư trên toàn cầu, do tính đặc hữu của một loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao trên thị trường… nhưng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sản xuất thuận thiên.

Dự án cũng có tính hiệu quả cao do phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; được quản trị tốt từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, nhân giống, sản xuất sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; không chỉ tạo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng người dân vùng dự án, đặc biệt là bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án phát triển cây sâm Ngọc Linh bền vững dưới tán rừng của Công ty Sâm Sâm Group là 1/20 dự án toàn  cầu và là 1/8 dự án của châu Á được WWF và hai tổ chức Quỹ Khí hậu và phát triển Hà Lan và Ngân hàng Phát triển Hà Lan phối hợp thẩm định và cho vay tài chính do đáp ứng được các mục tiêu bảo tồn được nguồn gien gốc của cây sâm Ngọc Linh; phát triển bền vững, không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến hệ sinh thái rừng và môi trường cảnh quan.

Đây là mô hình kinh tế nông nghiệp thuận thiên có khả năng nhân rộng cao; giải quyết lao động, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên nguyên tắc đồng thuận và thông tin đầy đủ đến cộng đồng khu vực triển khai dự án; sản phẩm được truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý rõ ràng…

Ông Nguyễn Đức Lực Chủ tịch hội đồng quản trị Sâm Sâm Group cho biết, dự án phát triển cây sâm Ngọc Linh bền vững dưới tán rừng hợp tác chiến lược với một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Sâm Ngọc Linh trong nước.

Hiện, Sâm Sâm Group cần nguồn vốn khoảng 20 triệu Euro để mở rộng vùng trồng, nâng cao năng lực sản xuất giống, chiết xuất và sản xuất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ Sâm Ngọc Linh. Qua đó, cung cấp cho thị trường trong nước và hoàn thiện các quy trình, thủ tục pháp lý để đưa sản Sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới, tạo kinh tế và sinh kế bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp và người trồng sâm ở Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục