Bàn giải pháp quản trị tài chính doanh nghiệp du lịch

13:01' - 08/05/2020
BNEWS Ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vay vốn với lãi suất thấp hay theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ.

Thời báo Kinh tế Sài gòn, Hội doanh nhân trẻ Tp. Hồ Chí Minh và nhãn hàng Tôn Colorbond của công ty NS Bluescope Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Quản trị tài chính trong và sau đại dịch” ngày 8/5, nhằm thảo luận những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo thanh khoản tài chính, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...

Ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vay vốn với lãi suất thấp hay theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ. Trong thời điểm "nhạy cảm" như hiện nay, các ngân hàng từ chối hồ sơ vay do quan ngại khả năng thanh khoản và trả nợ của doanh nghiệp, nhất là đối với lĩnh vực lữ hàng, lưu trú du lịch...

Cùng với ngành du lịch, hầu hết ngành nghề, lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và phải giải bài toán làm sao để có nguồn tài chính ổn định và bền vững để đi qua mùa dịch và đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.

Trước bối cảnh này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành ngân hàng rất hiểu rõ những hệ luỵ của dịch COVID-19 tác động lên doanh nghiệp nên đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, sau khoảng 1 tháng triển khai giải pháp hỗ trợ thì bước đầu đã có kết quả tích cực như cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, miễn giảm lãi vay và cho vay mới.

Tính đến ngày 20/4, kết quả cơ cấu nợ trên địa bàn thành phố khá khả quan, với tổng số mức vay nợ là 63.000 tỷ đồng. Đối với việc miễn giảm lãi khoản vay của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện giảm lãi trên tổng dư nợ 12.300 tỷ đồng.

Về giảm lãi suất cho vay với khoản dư nợ hiện đang còn ở các tổ chức tín dụng cũng mới 940.000 tỷ đồng. Tại Tp. Hồ Chí Minh đã có 168.000 khách hàng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Để thực hiện những giải pháp trên, các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải xây dựng lại cơ cấu hoạt động, vận hành, tiếp cận hồ sơ... làm sao để rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp; trong đó, việc rút ngắn thời gian tiếp cận nguồn vốn tín dụng sẽ tăng hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng và thiết thực hơn.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Hoàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn cho biết, đối với trường hợp doanh nghiệp không chứng minh bị thiệt hại từ dịch COVID-19 thì ngân hàng cũng có những cơ chế đặc thù để giải quyết cho doanh nghiệp. Trong những trường hợp cụ thể doanh nghiệp có thể được cấp vay mới, vay vốn bổ sung do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đối với ngân hàng thương mại, việc xét duyệt hồ sơ vay của doanh nghiệp đều phải thông qua hệ thống thẩm định nội bộ và dựa trên nhiều yếu tố để quyết định hạn mức cho vay. SCB luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn tạm thời này, nhưng nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng hiệu quả thì phải kiểm soát được rủi ro mới quyết định duyệt cho vay.

Mục tiêu các ngân hàng thương mại là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bởi khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì nền kinh tế mới phát triển. Do đó, các ngân hàng thương mại sẽ không có tình trạng trì hoãn, gây khó dễ cho doanh nghiệp, nhưng hoạt động của ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo quy trình an toàn theo quy định của pháp luật.

Ở góc độ chuyên gia, bà Lâm Thị Ngọc Hảo - Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, mỗi doanh nghiệp luôn có một kế hoạch kinh doanh và chi tiết để quản trị doanh nghiệp và trong thời kỳ khủng hoảng thì việc đưa ra kế hoạch sẽ càng quan trọng hơn. Chính vì vậy, nếu có kế hoạch kinh doanh với định hướng chiến lược rõ ràng, doanh nghiệp sẽ không gặp khó khăn khi tiếp cận các tổ chức tài chính và nguồn vốn vay.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, giải pháp hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi cũng quan trọng nhưng triển khai cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp sẽ giúp họ có cơ hội tiếp cận thêm đa dạng nguồn vốn vay và có thể vay mới. Bên cạnh đó, ngân hàng cần tập trung hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cùng với sự đồng hành của Chính phủ và ngành ngân hàng, doanh nghiệp phải có chiến lược quản trị tài chính hiệu quả và cần xác định tài chính là kết quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với chiến lược quản trị tài chính tốt thì doanh nghiệp có thể phòng, chống những rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần xử lý được khủng hoảng trong quản trị doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với dịch COVID-19, doanh nghiệp cần thu hồi nguồn vốn, dòng tiền về càng nhanh càng tốt để hạn chế rủi ro; đồng thời, không nên chỉ tập trung vào lợi nhuận, mà phải tập trung vào dòng tiền và thanh khoản tài chính của công ty.

Người chủ doanh nghiệp phải kịp thời có chiến lược quản trị tài chính phù hợp với biến động của nền kinh tế trong nước, cũng như nền kinh tế toàn cầu. Đối với trường hợp doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn vay và vay vốn mới tại hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng thì cần đảm bảo các điều kiện về chiến lược sản xuất kinh doanh khả thi; quản trị tài chính công khai, minh bạch.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục